Vì quyền lợi người lao động
Trong những năm qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động và phản biện những nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị thực hiện những nội dung thiết thực, phù hợp với pháp luật và đời sống xã hội.
Giám sát, phản biện những nội dung thiết thực
Bà Lê Thị Tuyết Trinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12.12.2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) được các cấp công đoàn (CĐ) trên địa bàn tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2014, sau khi có hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và kế hoạch của Tỉnh ủy triển khai thực hiện các quyết định trên của Bộ Chính trị, LĐLĐ tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn các cấp CĐ tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đến đoàn viên, người lao động (NLĐ) và chỉ đạo CĐ các cấp tăng cường chủ động giám sát những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Đoàn giám sát của LĐLĐ tỉnh (bên trái) kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho NLĐ tại Công ty CP Phú Tài. Ảnh: ÁNH NGUYỆT
Trong đó, công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NLĐ luôn được các cấp CĐ trong tỉnh quan tâm, thực hiện thường xuyên. Hoạt động giám sát được thực hiện thông qua các hình thức: thành lập đoàn giám sát tại các cơ sở, tham gia giám sát cùng với các cơ quan có thẩm quyền. Trong 5 năm qua (2014 – 2018), các cấp CĐ trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại 1.530 đơn vị có tổ chức CĐ và nơi chưa có tổ chức CĐ. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hợp đồng lao động, BHXH, công tác an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt là các chế độ đối với lao động nữ. Trong quá trình giám sát, đoàn giám sát đã phát hiện và kiến nghị các đơn vị điều chỉnh bổ sung những nội dung còn thiếu sót, chưa tuân thủ pháp luật lao động; và hầu hết các đơn vị đã triển khai thực hiện.
Ngoài ra, các cấp CĐ đã chủ động tham gia và vận động đoàn viên, NLĐ tham gia góp ý xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; tham gia xây dựng các quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị như: quy chế tiền lương, thưởng, quy chế thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Qua đó, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động đã tiếp thu, điều chỉnh, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ. Các cấp CĐ cũng đã tổ chức 737 cuộc đối thoại bàn biện pháp tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, bức xúc của NLĐ, tạo sự đồng thuận trong đơn vị, DN, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công, lãn công.
Ưu tiên giám sát những vấn đề “nóng”
Bên cạnh những kết quả đạt được, LĐLĐ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của các cấp CĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, hoạt động giám sát chuyên đề chưa tổ chức được nhiều; việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát nhiều nơi làm chưa tốt. Công tác phản biện còn nhiều hạn chế, chưa rõ nét, mới chỉ tập trung ở việc góp ý xây dựng văn bản; việc phản biện các dự án phát triển kinh tế, dự án xã hội tác động đến NLĐ chưa được quan tâm. Các đề xuất, kiến nghị của CĐ nhiều nơi chưa được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết và trả lời thỏa đáng.
Theo bà Lê Thị Tuyết Trinh, để hoạt động giám sát và phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền đạt kết quả, mục đích đề ra, thời gian tới LĐLĐ tỉnh chỉ đạo CĐ các cấp tập trung lựa chọn, xác định nội dung giám sát thiết thực, ưu tiên những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan đến việc thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, tiền lương, tiền thưởng, công tác an toàn vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca, điều kiện làm việc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, CĐ sẽ thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, NLĐ, từ đó giám sát, phản biện, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời, tránh những bức xúc dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể. Ngoài ra, CĐ các cấp cần quan tâm tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cả đối tượng được giám sát và đội ngũ cán bộ CĐ tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
NGUYỄN PHÚC