Gỡ khó để phát triển kinh tế và đảng viên
Đó là hai nội dung thu hút sự quan tâm của các đại biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ngày 19.10. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được đại biểu đề ra, thảo luận, nhằm đạt các chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Phát triển kinh tế: Cần có giải pháp mạnh mẽ, đột phá
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua hai năm rưỡi (2016 - 2018) thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, kinh tế phát triển nhưng chưa thật bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, trong đó, nông lâm nghiệp còn chiếm tỉ trọng khá lớn. Công tác thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn còn nhiều hạn chế. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân trong nửa nhiệm kỳ là 6,7%, trong khi mục tiêu đề ra bình quân trong 5 năm là 8%.
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng đóng góp ý kiến tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16. Ảnh: V.L
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho rằng các chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội sẽ đạt và vượt, còn một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế hết sức khó khăn. Do vậy, các ngành, địa phương cần nỗ lực bám sát nghị quyết để có giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn mới đạt chỉ tiêu đề ra.
Theo ông Dũng, tỉnh luôn chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và đến nay đã có 25/70 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Kinh tế Nhơn Hội đang hoạt động và hoạt động một phần. Tuy nhiên, tỉnh cần rà soát 45 dự án còn lại và kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai. Đồng thời, rà soát lại các khu, cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh để đảm bảo hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, tỉnh.
Cần đẩy mạnh thu hút và đưa vào hoạt động các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Bí thư Thị ủy An Nhơn Đoàn Văn Phi nhận xét, việc triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nhất là ở lĩnh vực trồng trọt. Bởi thời gian qua, việc kêu gọi các DN liên kết sản xuất và thu mua sản phẩm của nông dân chưa thực sự hiệu quả. Sở NN&PTNT nên đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: V.L
“Ðể thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH của nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp, các ngành cần tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Ðại hội XIX Ðảng bộ tỉnh và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Ðẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Ðề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2014 - 2020. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách, nhất là thu nội địa; phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã đăng ký. Tập trung phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá gắn với việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Ðịnh với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng
Công tác thu thuế và vấn đề nợ đọng thuế cũng được các đại biểu tập trung có ý kiến. Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc thông tin, 9 tháng năm 2018, số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nợ thuế với tổng số tiền 1.273 tỉ đồng, trong đó có khả năng thu hồi được chỉ khoảng 640 tỉ đồng.
Ngoài ra, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình cũng gặp rất nhiều khó khăn, do chính sách bồi thường chưa thật sự thỏa đáng. Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương dẫn chứng cụ thể, người dân ở thị trấn Bồng Sơn được đền bù đất với giá 78.000 đồng/m2, nhưng Nhà nước đưa ra đấu giá 1 triệu đồng/m2. Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng nhìn nhận, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ban hành đã lâu, sắp tới tỉnh sẽ điều chỉnh, bổ sung để sát với thực tế.
Công tác kết nạp đảng viên: Đừng thấy khó mà lùi bước
Tại hội nghị, các đại biểu nêu thực tế khó đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên (ĐV) mới hàng năm. Theo Bí thư Huyện ủy Tuy Phước Mai Văn Ngọc, Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo nguồn phát triển ĐV với mục tiêu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Thế nhưng 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 3%, trong khi chỉ tiêu giao mỗi năm phải đạt 5% trên tổng số ĐV toàn đảng bộ. Nguyên nhân là phần lớn số thanh niên trong độ tuổi lao động - độ tuổi tốt nhất để phát triển ĐV - đi làm ăn xa.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trần Kim Hùng chia sẻ, công tác phát triển ĐV mới càng về sau càng khó. Năm 2016 kết nạp ĐV mới đạt tỉ lệ 4,8%, năm 2017 đạt tỉ lệ 4,4%, 9 tháng đầu năm 2018 đạt 2,4%. Tuy nhiên, không vì thấy khó khăn mà lùi bước. Bởi phát triển ĐV là một nội dung rất quan trọng trong củng cố lực lượng của Đảng, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của ĐV. Thực tế hiện nay, tại không ít tổ chức cơ sở đảng, công tác, kế hoạch tạo nguồn phát triển ĐV chưa sát, chưa quyết tâm, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Bên cạnh đó, việc phối hợp của tổ chức đảng với các hội, đoàn thể chưa chặt chẽ nên việc tạo nguồn ĐV mới gặp khó khăn, không đạt chỉ tiêu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng cho rằng phải chỉ đạo kiên quyết thì mới đạt chỉ tiêu phát triển ĐV. Trước hết phải xác định nguồn để phát triển đảng ở các hội, đoàn thể, giáo viên, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ... Không thể ngồi chờ quần chúng đến xin vào Đảng mà phải có kế hoạch tìm đến quần chúng, phát hiện những người ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu, kết nạp vào Đảng. Có như vậy mới đạt chỉ tiêu đề ra.
NGUYỄN PHÚC