Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số: Từ điển hình Vân Canh
Không phải những tiết dạy kiểu dạy lồng ghép, tích hợp, trong năm học 2017 - 2018, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số tại các trường mầm non ở Vân Canh được đưa vào chương trình khung, là tiết dạy chính thức vào buổi chiều hàng ngày. Từ hiệu quả thu được, Vân Canh quyết định triển khai đại trà đến toàn bộ 8 trường mẫu giáo trong huyện.
Sau 1 năm thực hiện thí điểm việc đưa nội dung tăng cường tiếng Việt thành tiết dạy chính thức tại Trường Mẫu giáo thị trấn Vân Canh (8 lớp, 7 điểm trường, 286 trẻ) theo đề xuất của Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, từ năm học 2018 - 2019, huyện Vân Canh quyết định triển khai đại trà việc này ra toàn bộ 8 trường trong huyện.
Cô và trẻ Trường Mẫu giáo thị trấn Vân Canh trong tiết học tăng cường tiếng Việt.
Cô Nguyễn Thị Tính, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Vân Canh, cho biết: “Hơn 60% trẻ của trường là người dân tộc thiểu số, việc chuẩn bị tốt tiếng Việt cho các cháu vào lớp 1 luôn được nhà trường chú trọng. Trước đây, nội dung tăng cường tiếng Việt chỉ dạy lồng ghép 10 - 15 phút vào buổi học sáng. Nay không những đã là tiết học chính thức mà thời lượng cũng nhiều hơn với mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho trẻ, bổ sung vốn từ nhiều hơn, tạo thêm môi trường tiếng Việt trong lớp, trong trường để trẻ thực hành kỹ năng nghe - nói tiếng Việt. Tôi khẳng định việc tăng cường tiếng Việt thành tiết học chính thức đạt hiệu quả vượt trội”.
Nhằm đảm bảo cho giáo viên có thể giao tiếp tốt với các cháu, triển khai thuận lợi việc tăng cường tiếng Việt hơn nữa, tháng 3.2018 tại xã Canh Liên, Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh mở lớp chuyên đề dạy tiếng Bana, Chăm Hroi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên công tác tại vùng dân tộc thiểu số. Đây không phải là lần đâu tiên Phòng mở lớp như vậy. 8 năm trước, Phòng đã tổ chức một lớp chuyên đề với nội dung tương tự tại xã Canh Hòa, thực tế cho thấy lớp học phát huy tác dụng rất tích cực.
Bà Phạm Thị Bộ, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: “Những lớp chuyên đề như vậy cung cấp cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên vốn từ cơ bản, đặc biệt là những từ mà trẻ sử dụng thường xuyên trên lớp. Việc hiểu được trẻ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là ở các điểm trường xa - nơi mà trẻ chưa thật dạn dĩ trong giao tiếp với thầy cô. Lớp học tuy không cấp chứng chỉ nhưng giáo viên tham gia học rất nghiêm túc, bởi ai cũng hiểu rằng, khi biết tiếng nói của các cháu, không chỉ cô trò gần gũi hơn mà quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh cũng thuận lợi hơn. Mặt khác huyện còn đặt mục tiêu hỗ trợ để giáo viên sử dụng ngày càng tốt hơn ngôn ngữ mẹ đẻ của các cháu.
Khuyến khích các trường tạo môi trường thực hành tiếng Việt thường xuyên cho trẻ cũng là nội dung được Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh đẩy mạnh trong năm học này. Sau khi tổng hợp cách làm hay, sáng tạo của nhiều trường, Phòng tiến hành tổng kết và phổ biến thông tin để các trường có thể kết nối học tập. Bà Phạm Thị Bộ phân tích: “Các trường hoàn toàn có thể tạo môi trường thực hành tiếng Việt cho trẻ bằng cách động viên trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt với nhau trong tiết học; thực hiện dạy tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi; sử dụng đồ dùng đồ chơi dạy học với định hướng về tiếng Việt; tổ chức Hội thi “Tiếng hát tuổi thơ” cấp trường; rèn trẻ đọc thơ, ca dao; tổ chức chơi các trò chơi dân gian và trò chơi vận động mang tính phát triển ngôn ngữ cho trẻ… Giáo viên các trường nên chủ động kết nối để làm giàu phương pháp dạy học”.
Theo bà Lương Thị Xuân Tâm, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT), những năm gần đây, huyện Vân Canh luôn là đơn vị dẫn đầu các huyện miền núi trong tỉnh về công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số. Những kinh nghiệm, sáng kiến của Vân Canh về công tác này rất đáng để các huyện miền núi khác tham khảo, học tập.
NGỌC TÚ