Trang phục sinh viên
Mới đây, việc một trường ĐH ở phía Nam quy định về trang phục sinh viên (SV) khi đến trường đã gây phản ứng trong giới trẻ. Nhiều bạn cho rằng việc nhà trường cấm SV mặc áo thun (pull) không cổ là không hợp lý.
Xét ở một góc độ nào đó, việc ăn mặc cũng nhằm để phản ánh độ tuổi, cụ thể ở đây là thể hiện sức sống, sự trẻ trung của thanh niên. Phía nhà trường thì lý giải rằng, thời gian qua có quá nhiều SV ăn măc phản cảm, áo khoét trễ cổ quá sâu, trang phục hở hang...không phù hợp với môi trường học đường.
Xét cho cùng, cả hai bên đều có lý khi đưa ra những quan điểm của họ. Nếu SV mà ăn mặc quá cứng nhắc, cả tuần chỉ diễn sơ mi - quần âu thì chẳng khác nào những nhân viên văn phòng. Nhưng nếu SV mà ăn mặc hở hang quá đỗi, đầu tóc nhuộm xanh đỏ, nhất là các nữ SV,... thì e giảng đường cũng không khác mấy so với quán karaoke. Vì thế, sự thái quá nào cũng không nên, mà SV rất cần phải ăn mặc lịch sự, có thẩm mỹ để tạo thiện cảm, cũng như gìn giữ và quảng bá cho thương hiệu của trường các em đang theo học.
Trước đây cũng từng có trường ĐH cấm SV mặc quần jean, hoặc yêu cầu SV phải thường xuyên mặc đồng phục. Những quy định ấy đều không được các bạn trẻ đồng tình, thậm chí sau đó các trường cũng chỉ thực hiện một cách “nửa vời” chứ không ráo riết. Nhân chuyện quy định trang phục SV, nhiều người từng đi du học hoặc học tập ở nước ngoài đã chia sẻ rằng: ở các nước họ không có quy định cứng nhắc nào về việc ăn mặc của SV, vì thế ở giảng đường nhìn những người trẻ rất đa phong cách.
Tất nhiên, Bộ GDĐT cũng không hề có quy định hành chính nào về phục trang của SV, thậm chí Bộ này đã từng có công văn chỉ đạo các trường không được bắt buộc SV, học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường. Nhưng nói như các bạn trẻ trên một số diễn đàn rằng: “Học ĐH là để lấy kiến thức, để ứng dụng cho công việc trong tương lai chứ đâu phải đến để chấm tác phong” thì hẳn nhiều người sẽ không đồng tình. SV cần phải học nhiều thứ, ngoài kiến thức, thì có cả tác phong, lối sống, nhân cách…
Theo Vi Cầm (daidoanket.vn)