“Gà tộc” là gà gì?
Trong thói quen ngôn ngữ của nhiều người, để gọi một số sản phẩm của người dân tộc thiểu số làm ra, người ta thường dùng cách gọi tên sản phẩm + tộc, chẳng hạn: gà tộc, heo tộc, chuối tộc… Chúng ta nghĩ gì về cách gọi này?
Trước hết, đây là cách dùng từ sai về mặt logic. Với cách dùng trên, người ta mặc định “gà tộc” (cũng như heo tộc, chuối tộc) là “gà của đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong cách hiểu này, “tộc”, “dân tộc” và “dân tộc thiểu số” là ba khái niệm đồng nhất. Trong khi chúng ta biết, “dân tộc” và “dân tộc thiểu số” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không thể thay thế cho nhau.
Có một thực tế dù phi lí nhưng người ta vẫn chấp nhận trong đời sống ngôn ngữ. Đó là việc cẩu thả đánh đồng, đánh tráo khái niệm “dân tộc thiểu số” thành khái niệm “dân tộc”. Chẳng hạn, thay vì nói “chị ấy là người dân tộc thiểu số”, không ít người lại nói “chị ấy là người dân tộc”. Cách nói “gà tộc”, “heo tộc” là một dạng đặc biệt của hiện tượng này và xin nói ngay, như thế là rất sai.
Hơn nữa, việc đánh tráo “dân tộc thiểu số” thành “dân tộc” còn mang sắc thái kỳ thị. Gọi “tộc” thay cho “dân tộc thiểu số” thì rõ ràng đã thể hiện rất rõ thái độ kỳ thị, khinh miệt. Cách đây đã rất nhiều năm, trong ý nghĩ của nhiều người, “tộc” và “mọi” là khái niệm đồng nhất. Cho nên, ngoài “gà tộc”, “heo tộc”, không ít người còn dùng tổ hợp tương đương là “gà mọi”, “heo mọi”. Trong tiếng Việt, “mọi” hay “mọi rợ” là từ dùng để chỉ “tên gọi chung các dân tộc thiểu số chậm phát triển (hàm ý coi khinh, theo quan điểm kỳ thị dân tộc thời phong kiến, thực dân)” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.631). Do đó, gọi “gà tộc”, “heo tộc” dù vô tình hay cố ý cũng đều xúc phạm đến người dân tộc thiểu số.
Dù rằng, khi dùng những tổ hợp “gà tộc”, “heo mọi”, không phải ai cũng ý thức về sắc thái phản cảm của những cụm từ này. Hầu hết đều dùng chúng với sắc thái nghĩa trung hòa và dùng như một thói quen ngôn ngữ. Tuy vậy, với những cách nói lệch chuẩn và mang sắc thái kỳ thị như vậy, chúng ta cần nên loại bỏ khỏi đời sống ngôn ngữ.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ