Học sinh nghiện game – Hành vi khó kiểm soát
Phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo học sinh khi nghiện game online, học hành sẽ sa sút, kiệt sức, khó kiểm soát được hành vi, thậm chí là gây án mạng. Làm thế nào để gia đình, nhà trường biết cách phòng ngừa và quản lý học sinh nghiện game?
Hậu họa khôn lường
PGS. TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: Hiện nay, tỉ lệ học sinh trầm cảm đang gia tăng, trong đó có cả nguyên nhân học sinh nghiện game. Đáng chú ý, học sinh, sinh viên trầm cảm do áp lực học hành vào viện điều trị ít hơn nhiều so với trường hợp vào cai nghiện game, nhưng phần lớn là lứa tuổi từ 10 - 13. Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, có tới 70% - 80% trẻ em 10 - 15 tuổi thích game online, trong đó, tỉ lệ trẻ nghiện chiếm 10% - 15%.
Học sinh đã nghiện game online, kéo theo hàng loạt hệ lụy như: Sa sút về thể lực và tinh thần, trầm cảm, hay cáu gắt, bỏ bê việc học hành, đặc biệt là không kiểm soát được hành vi của mình.
“Hành vi tấn công bạn học, người thân ở một bộ phận học sinh hiện nay bắt nguồn do nghiện game, tôi đã chữa trị tương đối nhiều và đã thành công. Chẳng hạn như một bệnh nhân học lớp 6, ở Hà Nội. Bố mẹ em bận kinh doanh ở nước ngoài nên hai năm trước gửi con cho ông bà nội nuôi dưỡng. Có điều kiện kinh tế, họ đã sắm cho con điện thoại thông minh đắt tiền.
Từ một học sinh thông minh, chăm ngoan, học giỏi em toàn trốn học đi chơi game, có hôm ngồi thâu đêm ở quán game. Phát hiện ra, ông nội đã đưa em đến bệnh viện. Ngay cả khi tôi trò chuyện, nhưng cháu vẫn cắm cúi chơi game, bỏ mặc câu hỏi. Thấy cháu bất hợp tác, ông nội vừa giơ tay lấy chiếc điện thoại, cháu lập tức xông vào tấn công luôn cả ông”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Cô Trần Kim Oanh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến, Bình Lục, Hà Nam chia sẻ: Những năm qua, tình trạng học sinh nông thôn nghiện game có phần gia tăng. Những đối tượng này thường rơi vào học sinh cá biệt, bỏ học, dễ gây gổ với bạn bè. Đau lòng hơn, có trường hợp học sinh để có tiền thỏa mãn cơn nghiện trò chơi, đã trộm cắp, gây án mạng.
Hiện rất nhiều gia đình có điều kiện, nuông chiều con quá mức. Họ cho con sử dụng điện thoại thông minh, đắt tiền. Con người ta có iPhone 6 con mình có iPhone X, cốt chỉ để khoe của với thiên hạ. Họ đâu ngờ, có sẵn điện thoại thông minh trong tay, con cái đang tuổi đi học, dễ dàng sử dụng để chơi game.
Đâu là giải pháp?
Có nhiều lý do dẫn đến khó kiểm soát hành vi học sinh nghiện game online. Lời khuyên của bác sĩ Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa tâm thần trẻ em, là bố mẹ phải quản lý con cái chặt chẽ hơn trong việc sử dụng điện thoại.
“Đối với trẻ em, học sinh tiểu học và THCS, tốt nhất các bậc làm cha mẹ không nên cho con dùng điện thoại thông minh, chỉ cho dùng điện thoại có chức năng nghe gọị. Chỉ cần có điện thoại thông minh trong tay, ở bất kỳ đâu, học sinh đều có thể sử dụng dễ dàng. Phụ huynh muốn con mình phát triển toàn diện, hoàn thiện nhất thiết phải làm như vậy. Khi các cháu học đến các cấp học cao hơn, có thể cho dùng điện thoại thông minh”, bác sĩ Ngân khuyên.
Chị Tạ Thị Thêm, ở khu công viên Hòa Bình, Hà Nội chia sẻ: Khi giáo viên chủ nhiệm báo tin không thấy con đi học, chị chạy đi tìm ở quanh khu vực trường và thấy con đang chơi ở quán game. Từ đó, vợ chồng chị đưa đón con đi học, cho con ăn tại nhà hoặc mua đồ mang đi chứ không cho tiền vì khi có tiền, con dễ đi bỏ học mà chơi game.
Nhiều bậc phụ huynh cũng lo lắng, trẻ em thành phố thiếu sân chơi. Các trò chơi thông thường không cuốn hút các em bằng những trò chơi ảo trên mạng. Chính vì thế, trẻ dễ sa ngã vào game online. Thêm vào đó, các quán game quanh trường học vẫn tồn tại khá nhiều, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Học sinh nghiện game vẫn dễ dàng trốn học để đi chơi.
Khi gia đình thấy con nghiện game, khó kiểm soát hành vi, hay thức đêm thức hôm, bỏ học, mắt trũng sâu, người gầy, phải đưa đến khám chuyên khoa tâm thần để có hướng điều trị tốt nhất và phải tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ thì bệnh mới ổn định và khỏi được.
Theo Bá Kiệt (GD&TĐ)