Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số: Cần được quan tâm đúng mức
Cuối tháng 9.2018, việc UBND tỉnh phê duyệt Ðề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 khiến không chỉ những người hoạt động trong ngành GD&ÐT mừng vui mà cả phụ huynh, học sinh cũng rất phấn khởi.
Hai năm một lần, Sở GD&ĐT tổ chức chương trình Giao lưu tiếng Việt dành cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học nhằm tạo điều kiện cho các em thể hiện vốn tiếng Việt và giao lưu, học hỏi, bổ sung những điểm còn yếu trong sử dụng tiếng Việt của mình.
Thật ra, gần 10 năm qua, tỉnh ta đã triển khai chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học và mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) và đạt được nhiều kết quả tốt. Cùng với các huyện miền núi có đông học sinh DTTS, các huyện trung du như Hoài Ân, Tây Sơn cũng rất chú trọng việc này. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân, cho biết: Phòng đã đề nghị các trường tạo nhiều môi trường thực hành tiếng Việt cho học sinh, giúp các em dạn dĩ, tự tin trong giao tiếp, mạnh dạn thể hiện ý kiến của mình trước thầy cô, bạn bè. Chúng tôi thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu tiếng Việt cấp huyện để các em gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Ở cấp tiểu học, bên cạnh việc dạy thêm 2 tiết tiếng Việt trong chương trình chính khóa, ngay trong những ngày nghỉ hè, một số trường còn tổ chức bổ túc tiếng Việt cho những em chuẩn bị vào lớp 1. Ba năm học qua, Trường Tiểu học An Dũng (huyện An Lão) đều đặn tổ chức dạy tiếng Việt trong tháng 8, nhờ vậy chất lượng học sinh lớp 1 được nâng lên rõ rệt.
Cô Đinh Thị Lênh - giáo viên lớp 1 ở Trường Tiểu học An Dũng (huyện An Lão) cho biết, trong hè, cô và các đồng nghiệp dạy các em làm quen với chữ cái đã học từ mẫu giáo và tập các em nói tròn vành rõ chữ. Vào năm học, học sinh lớp 1 còn được học phụ đạo tiếng Việt vào buổi chiều nên tiến bộ rất nhanh. Nhờ cách làm này, học khá lên theo từng năm học, năm sau luôn khá hơn năm trước. Năm học này, lớp 1A của tôi có 21 học sinh người dân tộc H’re, nhờ các giáo viên mầm non bổ túc tiếng Việt, chỉ mới qua 7 tuần của học kỳ I mà đến nay, nhiều em đã đọc - viết - nói tốt rồi.
Thực tế kể trên cho thấy, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án là nhằm đẩy mạnh, nâng tầm quy mô, đặt hoạt động tăng cường tiếng Việt trước nhiều mục tiêu phấn đấu cụ thể. Đề án đặt ra các mục tiêu: Đến năm 2020, cấp học mầm non có ít nhất 25% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 98% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ đã đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi. Ở cấp tiểu học, hàng năm, 100% học sinh người DTTS được tăng cường tiếng Việt. Và để có thể dạy dỗ học sinh tốt hơn, ngay cả các giáo viên cũng được yêu cầu nâng cao khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của các em.
Bà Phạm Thị Bộ, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, cho biết: Kinh nghiệm triển khai tăng cường tiếng Việt của chúng tôi cho thấy, giáo viên, nhất là giáo viên mầm non phải biết tiếng mẹ đẻ của học sinh. Huyện Vân Canh đã tổ chức nhiều lớp bổ trợ tiếng của đồng bào DTTS cho giáo viên và hiệu quả sau đó rất cao. Sắp tới, cả cha mẹ các em cũng sẽ được tăng cường tiếng Việt để hỗ trợ cho thầy cô.
Tuy nhiên, một số cán bộ cấp phòng ở các huyện tỏ ra lo ngại về quy định các địa phương phải bố trí kinh phí theo phân cấp, đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp nhằm triển khai kế hoạch. Một số trưởng phòng GD&ĐT cho biết, hiện đang có nhiều Đề án triển khai cùng lúc và có khả năng Đề án tăng cường tiếng Việt bị “xếp sau”, “không được đầu tư đầy đủ”. Mối băn khoăn này không phải là vô cớ, vì vậy, có lẽ UBND tỉnh nên kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc thực hiện Đề án nếu muốn nó đến đích và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
NGỌC TÚ