Hoài nghi chất lượng xếp hạng các trường đại học trong nước
Để tổ chức trong nước xếp hạng các trường ĐH một cách thực chất rất cần những tiêu chí cụ thể và cả hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Một trong những công cụ đánh giá chất lượng đào tạo, hoạt động của các trường đại học (ĐH) chính là phải được đánh giá, xếp hạng dựa trên những tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, một số trường ĐH ở Việt Nam đã được các tổ chức ở châu Á và châu Âu công nhận đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đưa ra. Tuy nhiên, để có những tổ chức, đơn vị ở trong nước thực hiện việc xếp hạng các trường ĐH một cách khách quan, trung thực lại đang là vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội bàn luận khi góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH.
Đại biểu Lê Thu Hà (ảnh: quochoi.vn)
Vẫn còn những hoài nghi về xếp hạng ĐH
Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) nêu quan điểm, khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật Giáo dục ĐH quy định các cơ sở giáo dục ĐH chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước và quốc tế. Tại khoản 3 quy định các pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng giáo dục đại học.
Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học là một vấn đề còn rất mới ở nước ta. Thời gian qua, một số chuyên gia giáo dục đã phân tích những điểm tồn tại của các hệ thống xếp hạng ĐH phổ biến trên thế giới. Ngoài ra, gần đây, nhiều trường ĐH Việt Nam đã được tổ chức kiểm định trong nước kiểm định chất lượng. Các kết quả kiểm định này đã gây không ít hoài nghi về tính khách quan, minh bạch của một số tổ chức kiểm định.
Để việc xếp hạng được minh bạch, thực chất, đại biểu Lê Thu Hà kiến nghị chưa nên đưa vào Luật Giáo dục ĐH cho phép các cơ sở trong nước dù là các pháp nhân phi thương mại triển khai các hoạt động xếp hạng. Điều quan trọng hơn cần phải làm ngay là có các điều, khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu báo cáo của trường ĐH công bố cho xã hội, cho cơ quan quản lý nhà nước, các bên liên quan khác.
Việc công bố số liệu cần được giám sát và xử phạt thật nghiêm. Những trường hợp không trung thực hoặc cung cấp không đầy đủ số liệu liên quan đến chất lượng, khi nào những việc này được chấn chỉnh xong thì xếp hạng mới có thể là thực chất.
Đại biểu Lê Quang Trí (ảnh: quochoi.vn)
Liên quan đến việc kiểm soát việc thành lập, trách nhiệm của tổ chức xếp hạng ĐH, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) cho rằng, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo là rất cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một khoản vào điều này quy định về các tổ chức xếp hạng như: điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức này... Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.
Thêm những tiêu chí, quy trình khi kiểm định chất lượng trường ĐH
Song song với việc xếp hạng thì cần có những tiêu chí, quy trình cụ thể trong việc kiểm định chất lượng giáo dục của các các cơ sở giáo dục ĐH. Đó là ý kiến của đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) khi đề cập điều 52 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Ảnh: quochoi.vn)
Tự chủ đại học phải đi kèm với trách nhiệm giải trình của các cơ sở ĐH. Tự chủ, tự tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chí, tiêu chuẩn nhà nước quy định, các tổ chức kiểm định độc lập, uy tín trong và ngoài nước kiểm định là yêu cầu hết sức quan trọng. Đây là sự quyết định đẳng cấp thứ bậc, danh tiếng, sự tồn tại và phát triển của cơ sở giáo dục và ngược lại.
Từ thực tiễn, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị các quy định trong Điều 52 của Dự thảo Luật Giáo dục ĐH phải chặt chẽ; cần bổ sung quy định về quy trình kiểm định chất lượng giáo dục trong luật này. Theo đó, Nhà nước ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục ĐH, đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn thuyết phục, lượng hóa được bộ tiêu chí, số liệu minh bạch được cộng đồng các trường ĐH thống nhất cao, quy trình chặt chẽ, khoa học công khai.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, việc kiểm định chất lượng giáo dục là dịch vụ kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Như vậy, chỉ có văn bản luật và nghị định mới có thể quy định về điều kiện kinh doanh.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định chất lượng gồm điều kiện gì, chu kỳ kiểm định, kiểm định đột xuất, kiểm định bắt buộc, tiền kiểm hay hậu kiểm và trình tự thủ tục lập, hoạt động ra sao, có thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT quy định trong dự thảo luật hay không cần được xem xét, quy định rõ./.
Theo Bích Lan (VOV.VN)