“Bồng Lai” là chốn nào?
Đọc các tác phẩm văn chương, ta thường gặp ngữ liệu “Bồng Lai” cùng những biến thể của nó như “non Bồng”, “núi Bồng”, “Bồng đảo”. Đây là những điển cố có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa được người Việt tiếp biến và sử dụng một cách đầy sáng tạo.
Theo sách Sơn hải kinh, ở phía đông vịnh Bột Hải, có 5 hòn đảo. Ba trong số đó là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, gọi chung là Bồng Lai tam đảo. Tương truyền, nơi đây rất đẹp và có tiên ở. Từ đó, tên gọi “Bồng Lai” được dùng để chỉ cõi tiên (tiên cảnh). Cho nên, người ta có tổ hợp “bồng lai tiên cảnh” dùng như một thành ngữ.
Cũng như các điển “Thiên Thai”, “Đào nguyên”, khi đi vào văn chương và ngôn ngữ đời sống, “Bồng Lai” và các biến thể của nó được dùng với nghĩa hoán dụ, chỉ cảnh đẹp như ở cõi tiên. Chẳng hạn, trong truyện thơ Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu dùng điển này, ở câu 423 - 424: “Người hay lại gặp cảnh hay/ Khác nào tiên tử chơi rày Bồng Lai”.
Từ hàm nghĩa chỉ cảnh đẹp cõi tiên nói chung, một biến thể của “Bồng Lai” là “Bồng đảo” (đảo Bồng) lại được dùng với nghĩa chuyên biệt để chỉ bộ phận cơ thể trên phần ngực của phụ nữ (có lẽ do tương quan về hình dạng và vẻ đẹp). Hiện nay, tổ hợp “đôi gò bồng đảo” được sử dụng rất phổ biến. Có một điều thú vị là, cách nói này được dùng từ rất sớm mà ta từng gặp trong thơ Hồ Xuân Hương: “Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch Đào nguyên suối chửa thông” (Thiếu nữ ngủ ngày).
Mang hàm nghĩa chỉ cảnh đẹp như cõi tiên, “Bồng Lai” được xem như một mỹ tự và được dùng đặt tên cho nhiều đối tượng địa lý. Chẳng hạn, ở tỉnh Bắc Ninh có xã Bồng Lai (huyện Quế Võ); ở tỉnh Bình Thuận có khu du lịch Bồng Lai (TP Phan Thiết). Ngay ở tỉnh ta, có một địa danh là “Bồng Sơn” (huyện Hoài Nhơn). Địa danh này xuất hiện khá sớm. Trong sách Quốc triều Hương khoa lục, địa danh “Bồng Sơn” cũng được nhắc đến vài lần. “Bồng Sơn” có nghĩa là “núi Bồng”, tức “Bồng Lai” mà ta nói ở trên. Đặt tên này, có lẽ người xưa đã gửi vào đó ước mơ về một vùng đất tươi đẹp như cõi tiên.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ