Người nghèo muốn… nghèo
Những năm qua, các hộ nghèo trong tỉnh đã được Nhà nước và các tổ chức xã hội quan tâm, đầu tư nhiều nguồn lực giúp họ vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, ở một vài địa phương trong tỉnh vẫn còn một số người nghèo còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, do đó không muốn nỗ lực vươn lên để thoát nghèo.
Hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức họp công khai, rà soát những hộ thoát nghèo để người dân trong khu vực bình xét, dựa trên thu nhập và tài sản hiện hữu. Nhưng một số hộ lại không muốn thoát nghèo, cho rằng việc cán bộ địa phương đưa họ ra khỏi danh sách hộ nghèo là không công bằng, làm mất nhiều quyền lợi của họ.
Theo ông Phan Văn Biện, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thái Phú, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, hiện toàn thôn có 32 hộ nghèo, năm 2013 phấn đấu giảm 2% số hộ nghèo, nhưng một số hộ khi được thoát nghèo đã phản ứng mạnh. Bởi có nghèo thì hằng năm con cái mới được miễn giảm học phí, được nhận bảo hiểm y tế, các dịp lễ, Tết được tặng quà, phát gạo miễn phí và hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ chăn nuôi…
Ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Tư tưởng trông chờ, ỷ lại chưa muốn thoát nghèo vẫn còn nặng nề trong nhân dân, kể cả một số chính quyền cơ sở. Họ không muốn thoát nghèo là vì nhằm vào khoảng 30 chính sách hỗ trợ khác nhau của Nhà nước, còn nếu là hộ cận nghèo chỉ có vài chính sách hỗ trợ.
Để công tác giảm nghèo mang tính bền vững, theo ông Hải, cần có sự thống nhất quan điểm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vốn vay ưu đãi phải tạo được mô hình cây, con giống có hiệu quả cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các nhóm hộ theo đặc điểm từng vùng, miền. Quan tâm đầu tư vào các công trình dân sinh để người dân được trực tiếp hưởng lợi lâu dài, tạo các điều kiện hỗ trợ cho hộ gia đình sau khi thoát nghèo duy trì tính bền vững. Quan trọng hơn cả là sự tự giác vươn lên, quyết tâm thoát nghèo một cách bền vững của các hộ nghèo.
MINH NGUYỄN