Từ đâu mà có “chủ nhật”?
Trong bảy ngày của tuần, ngày cuối cùng lại có tên gọi riêng, không nằm trong hệ thống thứ + n như tên của sáu ngày trước đó. Về ý nghĩa của tên gọi “chủ nhật”, không phải ai cũng rõ. Vậy, từ đâu mà có “chủ nhật” và ý nghĩa của nó là gì?
Trước hết, về nguồn gốc ngôn ngữ, “chủ nhật” là một từ Việt gốc Hán. Trong đó, “nhật” (chữ cũng là bộ), có nghĩa là “mặt trời” (như trong từ nhật nguyệt, nhật thực) và “ngày” (như trong sinh nhật). Còn “chủ” (bộ chủ với tự dạng một dấu chấm) lại có hai âm đọc là “chủ” và “chúa”. Với âm đọc “chủ”, nó có nhiều nghĩa, chẳng hạn: 1. Vua, chúa (như trong quân chủ); 2. Người tiếp khách trong quan hệ với khách (như trong chủ khách); 3. Kẻ thuê người làm trong quan hệ với người làm thuê (như trong chủ tớ); 4. Người sở hữu tài sản (như trong địa chủ); 5. Người lãnh đạo (như giáo chủ)… Còn với âm đọc “chúa”, từ này có các nghĩa: 1. Người chủ; 2. Người có quyền lực cao nhất trong một miền hoặc một nước có vua thời phong kiến (như Chúa Trịnh); 3. Đấng tạo hóa của đạo Thiên Chúa; 4. Con cái chuyên lo việc sinh đẻ ở một số loại côn trùng (như ong chúa).
Như vậy, giữa hai chữ “chủ” và “chúa” có sự gần gũi về âm đọc và nghĩa. Đó là lý do dẫn đến sự nhầm lẫn và ra đời của tên gọi “chủ nhật”. Vì đúng ra, tên gọi của ngày cuối cùng trong tuần phải là “chúa nhật”. Trên thực tế, ở một số nơi, nhất là trong cộng đồng người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành, người ta vẫn còn bảo lưu tên gọi ban đầu là “chúa nhật”.
Như đã biết, nguồn gốc tên gọi của bảy ngày trong tuần trong tiếng Việt là do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Trong đó, tên gọi “chủ nhật” bắt nguồn từ Thiên Chúa giáo. Theo Kinh Thánh, trong buổi sáng thế, Chúa Trời dựng nên trời đất và muôn loài trong sáu ngày đầu tiên. Ngày thứ bảy, Ngài nghỉ ngơi và lấy ngày này làm ngày thánh. Từ đó, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày này được gọi là “ngày của Chúa”.
Như vậy, gọi đúng phải là “chúa nhật”, viết một cách nghiêm nhặt thì phải là “Chúa nhật”. Tuy nhiên, theo thời gian, có lẽ do sự nhầm lẫn về âm đọc hoặc một nguyên nhân khác nào đó, nó trở thành “chủ nhật” và giành luôn vị trí chính thống của từ “chúa nhật”.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ