Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống: Ðiển hình Tuy Phước
Ðến nay, huyện Tuy Phước vẫn là địa phương duy nhất ở Bình Ðịnh thực hiện đạt hiệu quả cao các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống. Việc liên kết chuỗi trong sản xuất đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thành viên HTXNN Phước Hưng, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước thu hoạch lúa bán cho DN.
Năm 2017 và 2018, Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed (tỉnh Thái Bình) phối hợp với HTXNN Phước Hưng (xã Phước Hưng) và HTXNN Phước Sơn (xã Phước Sơn) triển khai 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất và tiêu thụ lúa giống, mỗi dự án có diện tích 100 ha, mỗi năm sản xuất 2 vụ.
Nhiều lợi ích
Các dự án được thực hiện trong thời gian từ 3 - 5 năm. Các thành viên HTX được DN cho mượn lúa giống gốc, chuyển giao quy trình kỹ thuật đầu tư, chăm sóc, khử lẫn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thóc thịt trên thị trường tại thời điểm. Điều đáng mừng là các bên tham gia đều hài lòng bởi hưởng lợi từ chuỗi liên kết.
Bà Nguyễn Thị Hải, ở thôn Tân Hội, xã Phước Hưng, chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất 5 sào lúa, mỗi vụ bán cho DN gần
1,8 tấn thóc giống, trừ chi phí còn lãi hơn 8 triệu đồng, cao gần 2 lần so với làm thóc thịt. Thực hiện liên kết chuỗi, chúng tôi không còn lo “bí” đầu ra sản phẩm, thu nhập tăng cao, nên hầu hết bà con trong thôn đều duy trì diện tích sản xuất và thực hiện đúng cam kết”.
Nông dân xã Phước Quang, huyện Tuy Phước cải tạo ruộng để xuống giống vụ Đông - Xuân 2018 - 2019.
Tham gia liên kết chuỗi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTXNN Phước Hưng cao hơn bình thường. Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTX, cho hay: “Có 450 thành viên của HTX là nông dân ở 2 thôn Tân Hội và Lương Lộc tham gia liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thị lúa giống. Bình quân mỗi năm, tổng doanh thu từ bán lúa giống cho DN đạt trên 5,35 tỉ đồng, trong đó nông dân thu hơn 5 tỉ đồng, phần còn lại là của HTX. Qua thực hiện dự án, HTX có điều kiện nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn, nâng cao giá trị sản xuất. Thành viên HTX không phải lo về đầu ra sản phẩm, thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa thịt, nên yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.
Ông Triệu Tấn Phú, Giám đốc Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed, cho biết: Năm 2018, Công ty đã thu mua 1.100 tấn lúa giống cho thành viên các HTX với giá mà cả bên bán và mua đều hài lòng. Thông qua việc thực hiện liên kết chuỗi tại Bình Định, chúng tôi có điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động được nguồn hàng để cung ứng cho khách hàng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, thực hiện các liên kết chuỗi đã giúp tăng tính cộng đồng, khắc phục hạn chế chênh lệch đầu tư, chăm sóc cây trồng giữa các nông hộ, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao thu nhập, giải quyết làm cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mở rộng diện tích sản xuất
Ngoài việc duy trì 2 dự án sản xuất lúa giống tại Phước Sơn và Phước Hưng, vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, huyện Tuy Phước tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed triển khai thêm 1 dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống BC 15 tại xã Phước Quang, diện tích 120 ha/vụ/năm và Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Hà Nội) thực hiện 1 dự án tại xã Phước Lộc, diện tích 100 ha/vụ/năm. Các DN đều cam kết tích cực hỗ trợ và thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá cao.
Nhận định về các liên kết chuỗi có sự tham gia của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà DN) là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Kỳ Quang đánh giá: Với sự liên kết chặt chẽ, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa nông dân, HTX và DN sẽ đảm bảo mục tiêu: Hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, sự minh bạch và hài hòa lợi ích giữa DN, HTX và nông dân sẽ hạn chế những rủi ro như sản lượng lúa dư thừa, hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.
PHẠM TIẾN SỸ