Ứng dụng KHKT trong sản xuất tại các làng nghề truyền thống: Nâng cao năng suất, chất lượng
Những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp vùng nông thôn đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất, tăng chất lượng sản phẩm.
Nhờ từng bước ứng dụng KHKT trong sản xuất, nhiều cơ sở, hộ dân tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn TX An Nhơn đã dễ dàng thay đổi mẫu mã, hiệu quả sản xuất cao hơn trước. Anh Nguyễn Hoàng Giang (Cơ sở gỗ mỹ nghệ Hai Tưởng, ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu) cho hay: “Hầu hết các cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ tại làng nghề này đều đầu tư máy móc, thiết bị để làm các công đoạn tiện, cắt, đục… Nhờ vậy chất lượng sản phẩm đồng đều, rút ngắn được nhiều công đoạn so với làm thủ công, hiệu quả sản xuất nhờ vậy cũng cao hơn”.
Các cơ sở sản xuất tại làng nghề dệt chiếu cói ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) đầu tư máy móc, tăng năng suất, sản phẩm bán chạy trên thị trường.
Một số DN sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn cũng tích cực đổi mới công nghệ sản xuất để phát triển trên thị trường. Ông Đào Quyết Thắng, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Đường Minh (ở phường Đập Đá) chuyên sản xuất các phụ kiện cho tàu đánh bắt xa bờ, cho biết: “Cuối năm 2017, được chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng, Công ty đã đầu tư công nghệ luyện kim bằng lò trung tần, công suất nung 4 tấn kim loại/ngày. Nhờ vậy, chúng tôi có thể kiểm soát chính xác nhiệt độ nung kim loại, sản phẩm đẹp và đều hơn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình luyện kim”.
Không chỉ ở An Nhơn, các làng nghề truyền thống ở huyện Hoài Nhơn cũng tiếp cận kỹ thuật, thiết bị máy móc mới, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tại làng nghề dệt chiếu cói Hoài Châu Bắc, nhiều cơ sở đã mua máy dệt đời mới, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh. Ông Lý Văn Khánh, chủ một cơ sở dệt chiếu cói ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, thổ lộ: “Trước đây, muốn mua máy phải đặt từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nay ngay trong tỉnh cũng đã sản xuất được máy dệt; việc lắp đặt, bảo trì, bảo hành và cả nâng cấp cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Gia đình tôi đầu tư 5 máy, mỗi ngày dệt ra hơn 60 chiếc chiếu. Nếu không có máy, 2 người cùng làm mỗi ngày có giỏi cũng chỉ được có 4 chiếc”.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã thực hiện 3 chương trình, đề án khuyến công quốc gia với tổng kinh phí trên 4,4 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch năm; 23/25 chương trình khuyến công địa phương với kinh phí hơn 2,4 tỉ đồng, đạt 88,5% kế hoạch.
Vài năm gần đây, người dân tại làng nghề bánh tráng Kiên Long, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, đã đầu tư mua, lắp đặt máy tráng bánh. Chỉ sau một thời gian ngắn, 40 cơ sở, hộ gia đình làm nghề tráng bánh tráng của làng nghề tập trung tại 2 thôn Kiên Long và Kiên Ngãi đều đã có máy và thị trường đã mở rộng ra cả miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Đỗ Tạo, ở thôn Kiên Ngãi, nhận xét: “Để giảm bớt sức lao động, cách đây 8 năm, tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua máy tráng bánh. Từ ngày tráng bánh bằng máy, mỗi ngày 5 lao động trong gia đình tôi làm được trung bình từ 9.000 - 10.000 cái bánh tráng. Sản lượng tăng vọt, tiêu thụ mạnh nên thu nhập cũng tốt hơn trước”.
Theo ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), trước đây, khi đặt ra vấn đề áp dụng tiến bộ KHKT, phát triển sản xuất, nhiều người ngại rằng khó tìm vốn đầu tư, rồi sản lượng tăng cao thì khó tìm thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy khi chất lượng tăng cao, khả năng cạnh tranh tốt, sản phẩm không những đã được tiêu thụ mạnh mà còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN