“Nộp” & “nạp”
Hẳn không ít trong chúng ta từng băn khoăn “nộp” hay “nạp”tiền vào tài khoản điện thoại di động, đâu mới là cách dùng đúng? Trong tiếng Việt, “nạp” và “nộp” là hai từ có ý nghĩa và âm đọc gần gũi. Do đó, hai từ này thường bị nhầm lẫn. Nhiều người còn cho rằng, “nạp” là biến thể do đọc chệch “nộp” mà thành.
Thật ra, “nộp” có nguồn gốc từ chính “nạp”. Như đã biết, “nộp” trong tiếng Việt bắt nguồn từ “nạp” tiếng Hán. Không khó để chứng minh điều này bởi mối quan hệ giữa hai khuôn vần /ap/ và /ôp/ là mối quan hệ lịch sử, như đã thấy trong các trường hợp: hạp trong tiếng Hán là [cái] hộp trong tiếng Việt; lạp à sáp à xốp. Hoặc như trong phương ngữ Quảng Nam, Quảng Ngãi, vần /ap/ bị phát âm thành /ôp/ (xe đạp à xe độp, tháng chạp à tháng chộp).
Trong tiếng Hán, chữ “nạp” (bộ nhập hoặc bộ mịch) có nghĩa là “thu vào, giao nộp”(như trong thu nạp, cống nạp). Có một điều thú vị là, khi vào tiếng Việt, “nạp” một mặt giữ nguyên hình thức gốc, một mặt biến thể thành “nộp” (hiện tượng tồn tại song song hình thức gốc và hình thức biến thể của một từ Hán trong tiếng Việt là khá phổ biến).
Như vậy, cả “nạp” và “nộp” đều có nét nghĩa “giao nộp, thu vào”. Tuy nhiên, nếu chúng là một thì một trong hai đã không thể tồn tại được trong tiếng Việt vì quy luật chọn lọc ngôn ngữ. Nói cách khác, khi vào tiếng Việt, hai từ này đã có sự phân công về nghĩa.
Theo đó, “nạp” mang nghĩa “đưa vào, lắp vào làm cho sử dụng được, hoạt động được” (như nạp đạn, nạp năng lượng, nạp nguyên liệu vào lò). Còn “nộp” mang nghĩa “đưa cho người có trách nhiệm thu giữ theo quy định” (như nộp thuế, nộp phạt, nộp học phí). Như vậy, cách dùng đúng phải là “nạp thẻ điện thoại” (vì để tính năng gọi điện được hoạt động).
Cũng cần nói thêm, ở một số địa phương, “nạp” được dùng như “nộp” (có thể do hiện tượng phát âm sai). Đây là lí do mà hầu hết các cuốn từ điển tiếng Việt ghi nhận mục từ “nạp” có một nét nghĩa là “nộp” với chú thích là “phương ngữ”, chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.653).
ThS. PHẠM TUẤN VŨ