An Lão: Tăng cường kiềm chế nạn tự tử, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc
Nạn tự tử và nghi kỵ cầm đồ thuốc độc là hiện tượng tiêu cực thường xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, huyện An Lão tăng cường thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngăn chặn có hiệu quả vấn nạn này; từng bước ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Theo thống kê của ngành chức năng huyện An Lão, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 46 vụ tự tử; trong đó, 43 trường hợp là người dân tộc H’rê, 3 trường hợp là người dân tộc Bana. Nguyên nhân trực tiếp xảy các vụ tự tử, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, do khó khăn về kinh tế, bất đồng trong lối sống nhưng không được giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn do một số người lạm dụng rượu, bia quá mức, không kìm chế được bản thân, một số trường hợp do bi quan bởi mắc bệnh kéo dài, không chữa khỏi.
Để ngăn chặn, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hiện tượng tiêu cực trên, năm 2011, Thường vụ Huyện ủy An Lão ban hành 2 Chỉ thị về “Tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tự tử” và “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trên địa bàn huyện”. Đồng thời, Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện ban hành Đề án “Nâng cao năng lực của gia đình và cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn tự tử giai đoạn 2011-2015” và Đề án “Phòng ngừa, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc giai đoạn 2011-2015”. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các hội, đoàn thể chính trị xã hội, các ban, ngành chức năng liên quan và Đảng ủy các xã, thị trấn cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trong nhân dân về tác hại của tệ tự tử, tự sát, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể phát động hội viên đăng ký cam kết gia đình không có người tự tử, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương. Đặc biệt, động viên đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bám sát địa bàn dân cư, tuyên truyền, giải thích, vận động, hòa giải kịp thời những vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân. Các cơ quan pháp luật phối hợp với hội, đoàn thể tổ chức phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tạo được bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong phòng ngừa và ngăn chặn các hủ tục lạc hậu. Kết quả, trong 2 năm gần đây (2011-2013), trên địa bàn huyện An Lão không để xảy ra vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc nào.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện các Chỉ thị của Huyện ủy An Lão về phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn tự tử, nghi kỵ cầm đồ trên địa bàn huyện mới đây, cấp ủy và chính quyền huyện An Lão tiếp tục thảo luận và đề ra nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn tự tử, kiên quyết không để việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc quay lại với mục tiêu “Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình và phòng chống bạo lực trong gia đình; khuyến khích, phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình”. Cùng với đó, các cấp chính quyền huyện An Lão còn đề ra các giải pháp quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, huyện cũng đặc biệt chú trọng đến công tác nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời các hành vi liên quan đến tự tử, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.
HOÀNG NAM QUỐC