Trải cát đón Tết!
Thôn 9, thôn 8 Đông và vài thôn khác của xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ vẫn duy trì tục lệ trải cát đón Tết. Từ cuối tháng Chạp, người ta bắt đầu gánh cát mới ngoài biển về sàng lọc thật kỹ để trải ra sân nhà đón Tết.
Thôn 9, thôn 8 Đông và vài thôn khác của xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ nay vẫn duy trì tục lệ trải cát đón Tết.
Ngày xưa bé, ngay cả nền nhà chứ kể chi ngoài sân, không có thứ gì khác ngoài cát. Những ngôi nhà thấp bé mái tranh, mái ngói giấu mình trong cát. Cột, tường kê trên những viên đá ong, đá xanh, giường, tủ được kê trên những miếng gạch, thậm chí là ván đóng thuyền cũ rồi phủ cát lên. Dân miệt biển sinh ra và lớn lên trong tiếng sóng biển, tiếng gió biển ầm ào, cả trong chén cơm, trong giấc ngủ đều có cát!
Ngày đó, những người đàn ông quanh năm ngoài biển, phụ nữ ở nhà lo con cái và lo cả việc sàng cát, những lúc không có gió, họ phải sàng lọc rác để “nền” nhà luôn sạch sẽ. Tháng cuối năm, các bà, các mẹ, các chị bắt đầu gánh cát mới ngoài biển về, sàng lọc thật kỹ, những hạt cát vàng óng thơm mặn được vây cẩn thận nơi góc sân, góc nhà, thường từ 23 âm lịch lớp cát cũ được xúc đổ đi để thay cát mới. Cả làng rộn ràng đón Tết bằng cát như thế đó.
Ngày nay quê tôi nhà cửa đã khang trang, nền nhà nào cũng lát gạch, kém lắm cũng tráng xi măng, thậm chí ngoài sân cũng đã được đúc bê tông. Nhưng hầu như nhà nào cũng chừa lại một khoảnh sân nhỏ để… thả cát vào. Khoảnh sân dù nhỏ bé nhưng lại là nơi chốn neo giữ linh hồn ngôi nhà quê tôi! Những người đàn ông đi biển về, những người quê tôi đi làm ăn xa khi về đến nhà đều muốn ngồi tâm sự với cát, vọc tay vào cát, ngẫm ngợi cuộc đời họ. Tôi là một trong số đó!
Thay cát mới đón Tết trên quê tôi mang nhiều ý nghĩa, nó không chỉ có ý nghĩa tạo một không khí tết tươi mới, sạch sẽ, thơm tho mà còn thể hiện cái tình, lòng biết ơn của người dân với biển. Mang cát về nhà là mang lộc, mang sự may mắn, người dân luôn cầu nguyện một năm trời êm, bể lặn, thuận buồm xuôi gió và thật nhiều bình an!
NGUYỄN SA HUỲNH