Vụ cô giáo bị tố “nhốt chồng” ở Tây Sơn:
Sự thật và nỗi ân hận của người chồng
Thời gian qua, dư luận địa phương xôn xao trước thông tin cô giáo bị tố “nhốt chồng”, không cho ăn uống vì không chịu ký vào giấy bán nhà trong khi người chồng mắc bệnh nan y. Tin đồn có cơ sở từ một lá đơn của người chồng, tuy nhiên ngay sau đó người chồng đã gửi đơn bãi nại đến Công an huyện Tây Sơn và đề nghị Báo Bình Ðịnh lên tiếng để minh oan cho vợ.
Bà Lợi chăm sóc ông Trọng đang chạy thận tại BVĐK khu vực Phú Phong.
Ngày 3.9.2013, ông Lê Ngọc Trọng (58 tuổi, trú ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) gửi đơn đến Công an thị trấn Phú Phong tố cáo vợ mình - bà Nguyễn Thị Lợi (47 tuổi, trú ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), hiện đang công tác tại Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, về việc hạn chế không cho ông ra ngoài, không chăm sóc và đưa đi khám chữa bệnh, không đảm bảo việc ăn uống hằng ngày. Thông tin này lập tức được các báo mạng khai thác, gây xôn xao dư luận địa phương, cuộc sống cũng như công việc của bà Lợi bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong khi Công an huyện Tây Sơn đang tổ chức xác minh nội dung đơn của ông Trọng thì ngày 28.9, ông Trọng lại gửi đơn bãi nại và viết thư đề nghị Báo Bình Định lên tiếng để minh oan cho vợ.
Chúng tôi đến lúc ông Trọng đang chạy thận tại Bệnh viện ĐKKV Phú Phong, ông trần tình: “Bệnh suy thận mãn của ông đã kéo dài hơn 10 năm nay, vợ ông chính là chỗ dựa về kinh tế, tinh thần cho cả gia đình. Một mình bà Lợi vừa phải nuôi hai con đang tuổi ăn học, vừa phải chăm lo cho việc điều trị, chạy lọc thận của ông 3 lần/tuần. Với lương hưu chưa đủ đóng tiền viện phí của ông Trọng và đồng lương giáo viên ít ỏi của bà Lợi, gia đình ông lúc nào cũng lâm vào cảnh túng quẫn nên bà Lợi phải chạy vạy khắp nơi để lo cho gia đình. Khi không thể nào vay mượn thêm và số tiền vượt quá tầm kiểm soát của gia đình, bà Lợi có bàn với ông Trọng thế chấp ngôi nhà vợ chồng ông đang sử dụng ở thị trấn Phú Phong, để vay tiền vừa để trả nợ, vừa điều trị bệnh cho ông. Nhưng ông không đồng ý. Khi hai vợ chồng chưa thống nhất quan điểm, do nghe lời xúi giục của bà con, ông Trọng đã ký vào đơn tố cáo do người thân viết sẵn và gửi đến Công an thị trấn Phú Phong.
“Do bệnh tật kéo dài, hoàn cảnh túng quẫn khiến tôi bi quan, suy nghĩ thiển cận. Kèm theo đó là một chút bất đồng quan điểm giữa hai vợ chồng nên tôi đã làm đơn tố cáo vợ; vì nghĩ rằng, làm như vậy vợ sẽ chăm chút cho mình hơn. Không ngờ, nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gia đình tôi, các con tôi oán giận, vợ tôi phải chịu những điều tiếng oan ức, tinh thần bấn loạn và không thể đứng lớp được. Đơn tôi ký không đúng sự thật, tôi rất ân hận, nay nhờ Báo Bình Định nói lại để minh oan cho vợ tôi” - ông Trọng nghẹn ngào.
Thầy Trần Trọng Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Võ Xán, chia sẻ: “Cô Lợi là một giáo viên có trách nhiệm với công việc, gần gũi, thân mật với mọi người, thường xuyên tham gia các hoạt động của nhà trường và đạt danh hiệu lao động tiên tiến nhiều năm. Khi dư luận xôn xao thông tin giáo viên bị tố “nhốt chồng”, cô Lợi đã suy sụp tinh thần rất nhiều. Nhằm tạo điều kiện cho cô Lợi có thời gian chăm sóc gia đình hơn và giảm bớt áp lực, Ban giám hiệu nhà trường đã bố trí cô Lợi sang công tác thiết bị trường học”.
“Hoàn cảnh gia đình của cô Lợi rất khó khăn. Những năm đầu chồng cô mắc bệnh, hàng tuần cô phải chở chồng xuống Quy Nhơn để chạy thận, vì lúc đó chưa có xe buýt, khi BVĐK Khu vực Phú Phong có máy lọc thận cô đỡ vất vả hơn. Ngoài giờ lên lớp, cô Lợi còn phải đi làm thêm kiếm thu nhập chăm lo cho hai đứa con nhỏ và người chồng bị bệnh!” - một đồng nghiệp của bà Lợi (đề nghị giấu tên) bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Lương Trường Sơn, Đội phó Đội Điều tra trật tự xã hội Công an huyện Tây Sơn, cho biết: “Trong quá trình điều tra xác minh của cơ quan chức năng, ông Lê Ngọc Trọng nhận thấy hành vi làm đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Lợi là không chính xác nên đã làm đơn bãi nại”.
PHÚC LỘC - HOÀNG CHI