Tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng lưới lồng
Lưới lồng (hay còn gọi là lồng xếp, lồng bẫy, lờ dây, lờ bát quái) là ngư cụ khai thác thủy sản có xuất xứ từ Trung Quốc, bắt đầu du nhập vào tỉnh ta vào những năm 2004 - 2005. Ðến nay, việc sử dụng phương tiện này diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương ven đầm Trà Ổ, Thị Nại và vùng ven biển TP Quy Nhơn, làm cho nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, qua kiểm tra, khảo sát, toàn tỉnh hiện có 1.205 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng 85.057 chiếc lưới lồng để khai thác thủy sản. Tập trung tại các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn. Với đặc điểm, cấu tạo của lưới lồng có kích thước mắt lưới rất nhỏ (kích thước mắt lưới từ 10 - 17 mm), tại bộ phận tập trung cá (đụt cá), mắt lưới chỉ từ 5 - 15mm. Do lưới lồng có mắt lưới khá nhỏ nên khi đặt tại các cửa sông, vùng đầm phá ven biển, hầu như các loài thủy sản từ lớn đến nhỏ đều bị dính lưới, dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng kiệt quệ.
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, việc sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản đã làm cho trên 40% số lượng thủy sản còn non bị đánh bắt một cách vô tội vạ. Mặt khác, việc sử dụng lưới lồng còn có tác động xấu ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và môi trường thực vật thủy sinh, làm mất đi nơi trú ẩn của nhiều loài tôm cá. Thời gian qua, do chưa được quản lý nên nghề khai thác thủy sản bằng phương tiện lưới lồng phát triển tràn lan tại nhiều địa phương trong tỉnh, tạo nên nhiều bức xúc trong cộng đồng ngư dân. Việc tranh giành “ngư trường” để hoạt động lưới lồng cũng đã gây ra xung đột, mâu thuẫn ngày càng tăng giữa các hộ làm nghề lưới lồng với nhau và giữa các hộ làm nghề lưới lồng với các hộ làm nghề khai thác thủy sản truyền thống khác, gây mất an ninh, trật tự - xã hội ở nhiều khu vực trong tỉnh…
Để quản lý hoạt động khai thác thủy sản bằng phương tiện lưới lồng, vừa qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong việc sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã tổ chức tham mưu cho Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh và các cơ quan chức năng ban hành các quy định về quản lý hoạt động sử dụng lưới lồng trong khai thác thủy sản. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm của cộng đồng và ngư dân đối với hoạt động sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản.
Đồng thời, Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các nhóm hạt nhân mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tổ chức tập huấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ những tác hại, ảnh hưởng to lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái tại các vùng nước ven bờ do việc khai thác thủy sản bằng lưới lồng. Yêu cầu các hộ ngư dân ký cam kết không sử dụng phương tiện lưới lồng để khai thác thủy sản…
GIA KHƯƠNG