Vì sao tiểu thương thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ?
Tiểu thương buôn bán tại chợ, trung tâm thương mại (TTTM) tham gia bảo hiểm cháy nổ (BHCN) sẽ giảm thiểu nhiều thiệt hại về tài sản nếu không may gặp rủi ro; vậy nhưng, hầu hết hàng hóa của tiểu thương tại các chợ đều chưa được bảo hiểm.
Tiểu thương thờ ơ
Cách đây gần 7 năm (tháng 11.2006), Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Trong đó chợ, TTTM là một trong những đối tượng bắt buộc tham gia loại hình bảo hiểm (BH) này. Thế nhưng, hiện nay, đa số tiểu thương đang buôn bán, kinh doanh tại các chợ và TTTM trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tham gia; dù rằng nguy cơ cháy, nổ ở chợ, TTTM luôn ở mức cao.
Hàng hóa sắp xếp lộn xộn, lều bạt cũ nát giăng kín khắp nơi tiềm ẩn nguy cơ gây cháy.
Theo khảo sát của chúng tôi, sở dĩ tiểu thương không mấy mặn mà với loại hình BHCN, bảo hiểm hàng hóa (BHHH) là bởi nhiều người chủ quan, cho rằng việc cháy, nổ tại các chợ rất khó xảy ra, hơi đâu phí tiền mua BH. Cũng có nhiều tiểu thương hiểu rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHCN nhưng do thời buổi kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm nên đành phó mặc cho số phận, tới đâu hay tới đó.
Bà Võ Thị Hạnh, tiểu thương mua bán hàng hải sản khô tại chợ Phù Cát (huyện Phù Cát), thẳng thừng: “Khi nào xảy ra cháy chợ mới hay, giờ hơi đâu bỏ hàng triệu đồng mua BH. Hơn nữa, tui bán hàng hóa bình thường, không liên quan gì tới cháy, nổ thì quan tâm đến chuyện mua BH chi cho mệt!”. “Trước đây, tôi từng mua BHCN, nhưng hiện nay không tham gia nữa. Tôi biết mua BH có nhiều lợi ích nhưng do thời buổi khó khăn, buôn bán ế ẩm nên cố gắng tiết kiệm được khoản nào hay khoản đó”, chị Phan Thị Dung, tiểu thương buôn bán mặt hàng quần áo tại TTTM Chợ Lớn Quy Nhơn, phân bua. Trong khi đó, chị Hoàng Kiều Hoa, tiểu thương kinh doanh đồ nhựa tại chợ Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), quả quyết: “Buôn bán ế ẩm, lại phải đóng thuế sạp, thuế cá nhân và nhiều loại phí khác thì lấy đâu ra tiền để đóng phí bảo hiểm”.
Đáng nói hơn, không chỉ tiểu thương, hầu hết các ban quản lý (BQL) chợ cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tham gia BHCN, BHHH. Ông Phạm Minh Ninh, Phó Ban quản lý chợ Bồng Sơn, cho biết: “Chúng tôi đã tính đến phương án mua BHCN, nhưng do kinh phí tham gia lớn nên đến nay chưa thực hiện”. Còn theo ông Võ Văn Hải, Trưởng BQL chợ Diêu Trì (huyện Tuy Phước): “Lâu nay, chúng tôi chưa nghe đến và cũng ít quan tâm vấn đề BHCN, BHHH”. Trong khi đó, ông Nguyễn Phương, Trưởng BQL chợ Bình Định (thị xã An Nhơn), cho hay: “Khoảng cuối năm 2011, đại diện một công ty BH đóng tại Bình Định đến làm việc với tiểu thương về vấn đề tham gia BHCN, BHHH. Thế nhưng, sau khi thủ tục hồ sơ hoàn tất, phía đơn vị BH bất ngờ “mất tích” nên từ đó đến nay vấn đề BH bị lãng quên”…
Chủ động hạn chế rủi ro
Lần theo ý kiến của ông Nguyễn Phương, chúng tôi tìm gặp một số ngành chức năng và đơn vị có liên quan để tìm hiểu thêm về vấn đề tiếp thị và bán sản phẩm BHCN, BHHH cho đối tượng là tiểu thương đang hoạt động tại các chợ và TTTM. Đại tá Phạm Đình Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh, nhìn nhận: Ai cũng biết, tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại các chợ mua BHCN, BHHH sẽ giảm thiểu rất nhiều thiệt hại nếu không may sự cố cháy, nổ xảy ra. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các đơn vị kinh doanh BH thường không mặn mà trong việc tiếp thị loại sản phẩm này đến tiểu thương vì mức phí BH thấp trong khi rủi ro về nguy cơ cháy, nổ thường rất lớn. Do vậy, nhiều tiểu thương muốn tham gia BHCN, BHHH gặp không ít khó khăn bởi thiếu những thông tin cần thiết về loại hình BH này.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Tấn, cán bộ Phòng Nghiệp vụ- Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Bình Định, thẳng thắn cho biết: “Hiện nay, các đơn vị BH thường rất ngại bán BHCN cho người buôn bán, kinh doanh, đặc biệt là đối với tiểu thương buôn bán tại các chợ. Bởi hàng hóa ở chợ thường đa dạng và phức tạp, khi thì nhiều, khi thì ít, luân chuyển liên tục khiến việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản bảo hiểm khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống PCCC không được bảo dưỡng thường xuyên; ý thức trong PCCC tiểu thương chưa cao…”. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Văn Đức, Phó Trưởng phòng Hàng hải - Cháy kỹ thuật Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bình Định, cho biết thêm: “Các đơn vị BH không mặn mà bán BHCN cho tiểu thương tại các chợ vì họ ít sử dụng hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa hoặc có nhưng không cụ thể nên công tác đánh giá, kiểm kê, xác định bảo hiểm tài sản rất khó. Hơn nữa, ý thức chấp hành về các nội quy phòng, chống cháy, nổ của tiểu thương còn hạn chế, công tác phòng ngừa cháy nổ, chập điện tại nhiều chợ còn bộc lộ nhiều bất cập”.
Cũng theo đại diện một số công ty BH, tiểu thương muốn tham gia BHCN phải đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản là đáp ứng những tiêu chí, điều khoản do đơn vị cung cấp dịch vụ BH quy định và có “Giấy xác nhận đủ điều kiện về an toàn PCCC” do Công an PCCC tỉnh cấp. Khi các hộ tiểu thương đáp ứng 2 tiêu chí này, phía công ty BH căn cứ giấy yêu cầu mua BHCN và bản kê khai danh mục tài sản của tiểu thương để tiến hành điều tra rủi ro, rồi sau đó thực hiện các bước tiếp theo như chào phí, ký hợp đồng, cấp giấy chứng nhận…
Có thể thấy, nếu không may sự cố cháy, nổ xảy ra tại các chợ và TTTM, những sạp hàng, gian hàng - tài sản có giá trị nhất của tiểu thương sẽ “bay theo mây khói” và các hộ tiểu thương sẽ dễ rơi vào cảnh trắng tay. Do đó, để hạn chế rủi ro, thiệt hại, các BQL chợ, TTTM và tiểu thương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia BHCN, BHHH. Bên cạnh đó, BQL chợ và tiểu thương phải chấp hành nghiêm quy định PCCC; xem đây là việc làm tiên quyết, sống còn trong công tác phòng, chống cháy, nổ để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do hiểm họa cháy, nổ gây ra.
VĂN LỰC - TRỌNG LỢI