Vận hành lưới điện bằng công nghệ số
Phát triển lưới điện thông minh nhằm quản lý, vận hành tối ưu hệ thống là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Tại Công ty Ðiện lực Bình Ðịnh, công tác tự động hóa lưới điện đã mang lại nhiều kết quả khả quan, góp phần nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện năng.
Trung tâm Điều hành SCADA của PC Bình Định.
Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) hiện đang quản lý 13 trạm biến áp 110 kV và trên 2.600 km đường dây điện trung áp phân phối, cung cấp điện cho hơn 420 nghìn khách hàng sử dụng điện trên toàn tỉnh.
Trước đây, khi lưới điện xảy ra sự cố, các công nhân ngành Điện phải dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, khoanh vùng sự cố, khắc phục nên thời gian cắt điện để khắc phục khá dài... Hiện nay, với hệ thống điều hành SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition - công nghệ tự động hóa), các điều độ viên trong ca trực ở phòng điều khiển đặt tại công ty sẽ nhanh chóng phát hiện sự cố hoặc cảnh báo sự cố, thông qua còi báo động của phần mềm điều khiển, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục, tin cậy.
Ông Võ Hùng Anh, Phó Phòng Điều độ (PC Bình Định), cho biết: Dự án xây dựng hệ thống SCADA kết nối hệ thống lưới điện trên phạm vi toàn tỉnh được triển khai với tổng kinh phí hơn 60 tỉ đồng. Từ khi đưa vào vận hành hệ thống SCADA, điều độ viên tại trung tâm điều khiển có thể giám sát toàn bộ hệ thống nên kịp thời cập nhật thông tin để phân tích, phát hiện sự cố lưới điện chỉ trong vòng 3 phút. Thời gian xử lý sự cố rút ngắn, khách hàng sớm được cấp điện trở lại.
Việc tự động hóa tạo điều kiện thu thập dữ liệu, giám sát trạng thái, điều khiển đóng cắt điện nhanh chóng, tin cậy. Đặc biệt trong trường hợp bão lũ, thiết bị gặp sự cố được nhanh chóng cô lập khỏi hệ thống; thiết bị còn lại được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để không bị quá tải. Nhân viên trực chỉ cần thao tác trên SCADA mà không cần trực tiếp ra hiện trường. Khi phát hiện sự cố, trung tâm điều độ thông báo cho đội sửa chữa điện “nóng” (hotline) nhanh chóng khắc phục.
Ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc PC Bình Định, nhận xét: Việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành SCADA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo công tác quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả lưới điện. Qua hệ thống SCADA, các điều độ viên đã nắm được tình hình điện áp, dòng điện, công suất... của lưới điện ở từng địa điểm, có biện pháp điều tiết nguồn điện ổn định, hợp lý, ngăn ngừa tình trạng quá tải lưới điện và giảm tổn thất điện năng. Việc kết nối hệ thống SCADA với các nhà máy thủy điện giúp theo dõi thông số nhà máy thuận lợi, phục vụ tốt công tác chỉ huy vận hành hệ thống điện cũng như tính toán cân đối phụ tải và huy động công suất…
Công nhân điện lực Bình Định sửa chữa trạm biến áp.
Đến nay, hệ thống SCADA của PC Bình Định đã kết nối với 13 trạm biến áp 110 kV, 16 ngăn xuất tuyến trung áp, hơn 100 điểm đóng cắt tự động và 4 nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Nhờ tự động hóa lưới điện, 100% trạm biến áp 110 kV đều vận hành theo cơ chế không người trực. Thời gian khắc phục sự cố lưới điện được rút ngắn còn dưới 2 giờ.
Ông Hồ Quang Thịnh thông tin thêm: Ngoài tự động hóa lưới điện, PC Bình Định còn lắp đặt hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa tự động (RF-SPIDER). Đến cuối tháng 5.2019, đã có 4/9 điện lực địa phương với hơn 306 nghìn khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử, chiếm 73%, dự kiến đến năm 2020 tỉ lệ này là 100%. Ngành Điện cũng đã áp dụng hóa đơn điện tử và đa dạng hóa các dịch vụ thu tiền điện, tạo điều kiện cho khách hàng trong việc thanh toán trực tuyến, giám sát các thông tin tiêu thụ điện và thanh toán tiền điện.
Bên cạnh đó, Công ty đã áp dụng công nghệ vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao trên lưới đang mang điện (hotline). Hiện PC Bình Định đã trang bị 4 bộ thiết bị vệ sinh hotline cho các điện lực địa phương.
N. HÂN