“Thiếu nhi” là ai?
Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, đó là “trẻ em thuộc các lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng” (Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.927). “Thiếu nhi” là dạng rút gọn của “thiếu niên nhi đồng”.
“Thiếu niên” và “nhi đồng” là những từ Việt gốc Hán có nghĩa chỉ các lứa tuổi khác nhau. Trong từ “nhi đồng”, “nhi” có nghĩa là “đứa bé”, “đồng” cũng tương tự với nghĩa “đứa trẻ”. Trong tiếng Việt, “nhi đồng” là “trẻ em thuộc lứa tuổi từ bốn - năm đến tám - chín” (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.711). Trong từ “thiếu niên”, “thiếu” có nghĩa là “trẻ” (như thiếu nữ: cô gái trẻ, thiếu phụ: người vợ trẻ), “niên” là “năm, tuổi”. “Thiếu niên” là “tuổi trẻ” nhưng trong tiếng Việt, nó mang nghĩa cụ thể hơn, là “trẻ em thuộc lứa tuổi từ mười - mười một đến mười bốn - mười lăm” (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr.927).
Như vậy, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt, thiếu nhi là trẻ em thuộc độ tuổi từ bốn - năm đến mười bốn - mười lăm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, “thiếu nhi” được dùng với nghĩa tương đương với “trẻ em”. Gần nghĩa với “thiếu nhi”, trong tiếng Việt có nhiều từ, chẳng hạn: trẻ con, trẻ thơ, trẻ nhỏ, con nít… Những từ này thường được dùng với nghĩa chung chung, ít có sự giới hạn độ tuổi rõ ràng. Vậy, thiếu nhi hay trẻ em là người nằm trong độ tuổi nào?
Các công ước quốc tế về liên quan việc bảo vệ quyền con người, quyền của phụ nữ và trẻ em mà Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta, có nhiều quy định về độ tuổi trẻ em. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Còn Bộ luật Dân sự không dùng thuật ngữ “trẻ em”, mà dùng thuật ngữ “người chưa thành niên” và quy định là những người dưới 18 tuổi.
Thực tế cho thấy, xã hội chưa có cách hiểu chính xác về độ tuổi trẻ em mà pháp luật quy định. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng liên quan đến các vấn đề tảo hôn, sử dụng lao động trẻ em…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ