Chế tạo máy làm cát nhân tạo để chống “cát tặc”
Đã từng có thời gian khai thác cát cả chính quy và "vận dụng", chứng kiến nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, thay đổi dòng chảy, sạt lở "bờ xôi ruộng mật" của người dân, ông Trần Văn Đô (trú khu 5, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã tự nghiên cứu, chế tạo máy làm cát nhân tạo với mong muốn trả lại bình yên cho dòng sông, cũng như chống lại nạn “cát tặc”...
Máy làm cát nhân tạo của ông Trần Văn Đô góp phần hạn chế nạn “cát tặc”.
Không những thế, ngay tại khu bãi của Công ty TNHH Tập đoàn Đại Tiến Phát ở xã Tiên Du, huyện Phù Ninh do ông Trần Văn Đô làm Tổng Giám đốc cũng đang có những công nhân đang tích cực vận hành máy để cho ra những hạt cát nhân tạo, xuất bán ra thị trường. Gặp phóng viên, ông Đô vui vẻ cho biết, ngoài dây truyền sản xuất cát nhân tạo ở Lào thì còn có 20 dây truyền khác đã được lắp đặt và vận hành tại Việt Nam rồi.
Kể về ý tưởng, cũng như quá trình cho ra chiếc máy làm cát nhân tạo, ông Trần Văn Đô chia sẻ, từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi xây dựng chưa phát triển nhiều, nhu cầu sử dụng cát, sỏi chưa cao, ông đã biết tập hợp một đội quân để đãi sỏi tự nhiên. Sau này, khi kinh tế thị trường phát triển, hàng loạt các dự án, công trình được xây dựng, nhu cầu sử dụng cát, sỏi nhiều, ông đầu tư máy móc, thuê người khai thác cát cả trong mỏ chính quy và dưới hình thức "vận dụng".
“Khoảng gần 10 năm trước, sau một thời gian dài khai thác, tôi nhận thấy dòng sông Lô đã bị can thiệp thô bạo, không còn vẻ yên bình vốn có. Không những thế, nguồn cát dưới sông dần cạn kiệt, những hệ lụy như ô nhiễm môi trường do bã thải trong quá trình khai thác cát, việc dòng sông bị thay đổi dòng chảy và ruộng nương của người dân bị sạt lở... đã khiến tôi có suy nghĩ phải chế tạo ra chiếc máy làm cát nhân tạo", ông Đô kể.
Vui mừng vì đã chế tạo thành công chiếc máy làm cát nhân tạo "Made in Việt Nam" với đầy đủ yêu cầu, mong muốn không được bao lâu thì khó khăn đã ập tới vì thị trường chưa chấp nhận. Suốt khoảng hai năm từ ngày chế tạo thành công chiếc máy, sản xuất ra một lượng lớn cát nhân tạo, nhưng không được thị trường chấp nhận vì người sử dụng đã quen với cát truyền thống.
Không nản chí, ông Đô đi khắp các tỉnh trong nước để chào hàng, nhưng đến đâu họ cũng lắc đầu, cuối cùng cũng được một số trạm trộn bê-tông lấy dùng thử, khi đem đi kiểm nghiệm thì thấy kết quả tốt hơn cả mong đợi, từ đó họ nhập hàng nhiều hơn. Tiếp đến, cả những công trình xây dựng lớn cũng nhập hàng, các đại lý bắt đầu biết đến, đến giờ chúng tôi làm cát còn không đủ mà bán.
Theo cơ chế vận hành, tùy vào các loại máy có thể cho ra lượng cát khác nhau, với chiếc máy nhỏ, mỗi giờ cho ra được từ 20 - 30 khối cát, máy lớn có thể lên tới 120 khối cát mỗi giờ. Điểm đặc biệt của chiếc máy làm cát nhân tạo này là được làm từ các loại sỏi đá với kích cỡ lớn, hoặc từ những bã thải của hoạt động khai thác cát để lại. "Nguồn nguyên liệu để sản xuất vừa rẻ, lại không bao giờ sợ hết, đem lại lợi ích kinh tế cao và bảo vệ tốt môi trường. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là nhiều người, nhiều đơn vị trên cả nước chưa biết đến chiếc máy này. Họ chỉ nghĩ đơn giản là cứ "móc ruột" lòng sông để "ăn" cát mà không biết đến những hậu quả của việc làm này gây ra.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Phong, Trưởng phòng Vật liệu xây dựng (Sơ Xây dựng tỉnh Phú Thọ) cho biết, theo quy định của Thủ tướng, cả hiện tại và tương lai là khuyến khích sản xuất cát nhân tạo. Đối với cơ sở đang sản xuất cát nhân tạo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở Xây dựng sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị sản xuất cát nhân tạo này bảo đảm chất lượng trước khi lưu thông ra thị trường. Chế tạo cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên là một trong những chủ trương đúng nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ cho giao thông và xây dựng, góp phần giải quyết nạn khai thác cát trái phép.
Việc khuyến khích sử dụng cát nhân tạo, đề xuất những giải pháp sử dụng khoáng sản không tái tạo một cách không hợp lý sẽ giúp tiết kiệm nguồn khoáng sản, giải quyết hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường.
Tuy những lợi ích của việc sản xuất, sử dụng cát nhân tạo là vậy, nhưng theo ông Trần Văn Đô, hiện tại, do kinh phí hạn hẹp, Công ty TNHH Đại Tiến Phát chưa thể sản xuất đại trà được các loại máy này, do đó rất cần ngân hàng có cơ chế đặc thù hoặc các cá nhân, đơn vị cùng hợp tác phát triển để dần từng bước thay thế cát tự nhiên, cũng như hạn chế được nạn “cát tặc” trên cả nước.
Theo NGỌC LONG (NHÂN DÂN)