Mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI): Ðơn giản mà hiệu quả
Năm 2009, mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) được thực hiện tại tỉnh ta. Với SRI, nông dân được tiếp cận thêm một tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) được triển khai tại huyện Tây Sơn mang lại hiệu quả thiết thực.
- Trong ảnh: Nông dân huyện Tây Sơn thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2018-2019.
Mô hình thâm canh lúa cải tiến do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp Sở NN&PTNT Bình Định triển khai, gồm: Dự án Gieo hạt giống cho sự thay đổi thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững (dự án của SNV được Chính phủ Úc tài trợ giai đoạn từ năm 2009 - 2014); Dự án nâng cao quyền năng phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp do Chính phủ Hà Lan tài trợ (2016-2021).
Mô hình thâm canh lúa cải tiến hay tên gọi đầy đủ là hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa (System of Rice Intensification - SRI) là phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính dựa trên những tác động kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm nước tưới. Những kỹ thuật tác động bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa tạo hiệu ứng hàng biên, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ. Biện pháp canh tác này được công nhận là tiến bộ kỹ thuật ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ các dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN&PTNT) đã chuyển giao kỹ thuật thâm canh SRI theo quy trình: gieo sạ mật độ 4 kg/sào; quản lý nước tưới tiêu theo phương pháp ướt khô xen kẽ; làm cỏ kết hợp phá váng mặt ruộng để thông khí cho đất; bảo tồn hệ sinh thái đất (sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật); quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng kỹ thuật)... cho hơn 1.200 nông hộ thuộc các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn thực hiện trên tổng diện tích khoảng 1.500 ha.
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Hữu Phước, ở thôn An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, kể: “Thấy SRI đơn giản mà hiệu quả nên tôi đã áp dụng ngay, không chỉ giảm lượng giống, việc tưới theo phương pháp ướt khô xen kẽ đưa nước vào mặt ruộng từ 3-5 cm, tích nước 5-7 ngày rồi xả nước khỏi ruộng cho đất khô nứt chân chim nhưng phải đảm bảo độ ẩm trong đất cũng giúp tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới”.
Không chỉ làm thay đổi nhận thức của các đối tượng trong khuôn khổ dự án, điểm tích cực là các dự án còn làm thay đổi nhận thức của nhiều nông dân khác, tuy không ở trong khuôn khổ dự án nhưng nhận thấy lợi ích từ các kỹ thuật mà dự án triển khai.
Nông dân huyện Vân Canh chăm sóc lúa vụ Hè Thu 2019.
Ông Trần Văn Minh, ở thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, chia sẻ: “Trước đây, ruộng ở đây bị nhiễm phèn nặng rất khó canh tác, sau khi được ngành Nông nghiệp tỉnh về hướng dẫn, bà con đã tự khử phèn bằng cách rắc vôi bón lót trước khi cày, sử dụng các giống lúa lai để gieo sạ, trong quá trình canh tác giảm lượng phân đạm, dùng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên tiết kiệm được chi phí, năng suất lúa tăng lên. Nhà tôi có 3 sào ruộng, nhờ áp dụng kỹ thuật theo hướng SRI nên không những đã tiết kiệm được chi phí tới 150 nghìn đồng/sào, mà năng suất còn tăng thêm 300 kg/sào” .
Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc giảm lượng giống gieo sạ, mật độ gieo sạ hợp lý giúp thân lúa khỏe hơn, áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan, giảm chi phí đầu vào, giúp tăng thu nhập nhờ tăng năng suất lúa. Hệ sinh thái đất được bảo tồn nhờ giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng khí CH4, CO2, N2O phát thải gây hiệu ứng nhà kính. “Các thao tác trong SRI, như: giảm phân, giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật đều rất dễ thực hiện và có thể triển khai phủ sóng tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, muốn làm được SRI toàn phần, còn phụ thuộc vào một số điều kiện khác nữa, ví dụ: hệ thống thủy lợi phải hoàn chỉnh, đảm bảo tưới tiêu; hệ thống thủy nông nội đồng đảm bảo vận hành theo hướng tưới tiết kiệm nước thay vì tưới định kỳ như đang thực hiện. SRI mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải đồng ruộng nào cũng đảm bảo tiêu thoát nước đầy đủ. Do đó vùng đồng ruộng nào đảm bảo tưới và tiêu thì mới thực hiện được SRI toàn phần”, TS Tố Trân phân tích.
TS Lại Đình Hòe, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho biết: “Mô hình SRI giúp nông dân tiếp cận ứng dụng KHKT, thay đổi thói quen canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu triển khai thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Nam Trung bộ, giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa trong canh tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với DN”.
Được thành lập vào năm 1965, SNV là tổ chức phát triển quốc tế có trụ sở đặt tại Hà Lan, tập trung vào việc xây dựng năng lực cho các tổ chức địa phương nhằm hướng tới giảm nghèo. SNV đã xây dựng được sự hiện diện lâu dài tại địa phương tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
SNV bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995 và cung cấp các dịch vụ tư vấn phát triển năng lực trong năm lĩnh vực: năng lượng tái tạo và khí sinh học, các sản phẩm lâm và nông nghiệp, du lịch bền vững vì người nghèo, nước sạch và vệ sinh, và giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+).
ÐOÀN NGỌC NHUẬN