Cuộc đua chuyển mạng giữ số: Người ơi, người ở đừng... chuyển
Từ khi chính sách “chuyển mạng giữ số” có hiệu lực, lập tức các nhà mạng điện thoại di động đua nhau nâng cấp chất lượng phục vụ. Cuộc đua này ngày càng nóng hơn khi các nhà mạng xác định giữ chân khách hàng và phát triển thuê bao là yếu tố sống còn.
Chuyển mạng để tìm chất lượng dịch vụ tốt hơn
Có rất nhiều lý do để người dùng tìm đến dịch vụ chuyển mạng giữ số. Anh Hồ Văn Mười (ở Háo Đức, xã Nhơn An, TX An Nhơn) cho biết: “Tôi chuyển mạng giữ số vì muốn chọn nhà mạng có cước gọi rẻ hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ. Cả nhà tôi giờ dùng cùng dịch vụ của một nhà mạng, cước cuộc gọi nhờ vậy giảm hẳn. Sắp tới tôi sẽ thuyết phục anh em trong nhà chuyển về một nhà cung cấp để chi phí cho việc liên lạc được rẻ hơn!”.
Để thực hiện chuyển mạng giữ số, khách hàng chỉ cần cầm chứng minh nhân dân đến điểm giao dịch của nhà mạng muốn chuyển đến và nộp cước chuyển mạng khoảng 30.000 đồng.
Với lý do tương tự, anh Lê Thạch (TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi quyết định rời bỏ nhà mạng cũ vì cách họ giải quyết một số trục trặc khiến tôi không hài lòng. Thật ra, tôi có nhu cầu chuyển mạng đã lâu nhưng là DN nên tôi sợ điều này ảnh hưởng đến kinh doanh, do nhiều người đã quen giao dịch với số đó rồi. Giờ được chuyển đổi theo như ý muốn mà giữ được nguyên số tôi đăng ký luôn”.
Bản chất chủ trương chuyển mạng giữ số là nhắm đến mục tiêu buộc các nhà mạng phải tự hoàn thiện, tăng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ... Chính vì thế, chất lượng mạng, giá cước và chất lượng dịch vụ là 3 yếu tố đóng vai trò then chốt để giữ chân khách hàng bền vững.
Vậy dịch vụ chuyển mạng đổi số thật sự mang lại lợi ích gì cho thị trường viễn thông? Điều trước tiên, đó là tiết kiệm tài nguyên số. Trong cuộc cạnh tranh giảm giá cước, nhiều DN đã cố tình giảm giá sâu để lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, khi khách hàng không hài lòng với dịch vụ của nhà mạng, muốn chuyển sang mạng khác sẽ gặp khó khăn do sử dụng lâu ngày, nhiều người đã quen số. Nhiều khách hàng chọn giải pháp “nuôi” số cũ, bằng cách nạp một khoản tiền hàng tháng để duy trì, rồi mua thêm một sim khác của nhà mạng mình thích để gọi. Điều này dẫn tới sự lãng phí cả về tiền bạc lẫn tài nguyên số. Với dịch vụ chuyển mạng giữ số, người dùng không cần mất tiền để mua sim mới nhưng vẫn dùng được số cũ, còn lựa chọn được nhà mạng theo ý muốn của mình.
Dịch vụ này vừa đưa người dùng thoát khỏi tình cảnh mắc kẹt - muốn ra đi vì không hài lòng với chất lượng dịch vụ, vừa buộc nhà mạng thận trọng, chuyên nghiệp hơn trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Bắt đầu được triển khai từ tháng 11.2018 áp dụng cho thuê bao di động trả sau và áp dụng cho thuê bao trả trước từ đầu năm 2019, dịch vụ chuyển đổi mạng giữ nguyên số thuê bao di động thật sự khiến việc giữ chân khách hàng và phát triển thuê bao là cuộc chiến sinh tử. Việc xuất hiện các đại lý cho nhà mạng là một ví dụ.
Giữ người dùng đồng thời phát triển thuê bao
Anh Trần Vũ, một khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà mạng Viettel, cho biết: Tôi trả 79.000 đồng cho gói V79, gói này có giá trị trong 30 ngày. Gói V79 cho mình 1.500 phút thoại + 30 tin nhắn nội mạng, 30 phút ngoại mạng. Mua như thế nhưng tôi chưa bao giờ dùng hết số thời gian thoại của gói V79.
Gói V79 từng hấp dẫn rất nhiều người nhưng nay, tất cả các nhà mạng đều “chào” nhiều combo - “nghe gọi - nhắn tin - data”, trong đó điểm chung là ưu đãi nghe gọi nội mạng đến tối đa, đặc biệt do nhu cầu truy cập internet cao, gần như người dùng nào cũng quan tâm đến dung lượng data, khả năng kết nối.
Tương tự anh Trần Vũ nhưng anh Đông A ở Quy Nhơn cho biết: Tôi sử dụng gói cước C90 của Mobifone, cách đây mấy hôm, đại lý của họ gọi điện hỏi thăm chất lượng dịch vụ đồng thời giới thiệu gói cước C90N. Theo đó tôi vẫn được 1.000 phút gọi nội mạng, 50 phút gọi ngoại mạng, 4GB/ngày tốc độ cao vẫn với giá 90.000 đồng nhưng thời gian sử dụng được nâng lên từ 30 ngày lên 60 ngày. Kèm theo đó là cam kết tiếp tục sử dụng dịch vụ của Mobifone lâu dài. Gói cước C90N của Mobifone được xem là công cụ để cạnh tranh trực tiếp với gói cước VD89 của VinaPhone (60Gb data tốc độ cao/30 ngày, miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút, miễn phí 50 phút gọi ngoại mạng).
Những khách hàng chuyển mạng luôn được xem là “thượng khách”. Ví dụ khách hàng mới chuyển sang Viettel có thể lựa chọn 15 gói cước ưu đãi khác nhau, ở gói ưu đãi cơ bản, với mức cước 90.000 đồng/tháng, cộng với 1.000 phút nội mạng miễn phí, 15 phút ngoại mạng và 250 tin nhắn nội mạng. Trong khi đó, người dùng mạng VinaPhone sẽ được hưởng 7 gói cước ưu đãi khác nhau, với gói cơ bản cước phí chỉ từ 90.000 - 195 nghìn đồng/tháng, được 1.000 - 4.000 phút gọi nội mạng miễn phí và lượng data lên đến 20GB. Gói đặc biệt chỉ có nhà mạng này áp dụng là gói tích hợp di động + internet + truyền hình ưu đãi. Còn MobiFone tung ra các gói cước MobiF với ưu đãi miễn cước thuê bao và hoàn 25% cước phát sinh trong 6 tháng liên tiếp…
Bản chất chủ trương chuyển mạng giữ số là nhắm đến mục tiêu buộc các nhà mạng phải tự hoàn thiện, tăng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ… Chính vì thế, chất lượng mạng, giá cước và chất lượng dịch vụ là 3 yếu tố đóng vai trò then chốt để giữ chân khách hàng bền vững.
Không chỉ nâng cấp các điều kiện hưởng lợi cho thuê bao, ngay cả thái độ, cung cách phục vụ của nhân viên nhà mạng cũng thay đổi rất tích cực. Nhiều chuyên gia khẳng định, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng đóng vai trò quyết định cho sự thành công của nhà mạng, và thời dùng chiêu thức ngắn hạn qua rồi.
HỒNG HÀ