Hệ thống đài truyền thanh cơ sở: Vẫn phát huy hiệu quả thông tin đến người dân
Trong thời đại bùng nổ truyền thông đa phương tiện, hệ thống đài truyền thanh cơ sở vẫn phát huy hiệu quả, đóng vai trò là kênh cung cấp thông tin chính thống, thiết thực cho người dân, nhất là người dân ở các xã miền núi, xã đảo.
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở có những ưu thế riêng, như loa được đặt gần khu dân cư hay khu vực sản xuất nên người dân có thể vừa làm vừa theo dõi thông tin liên quan trực tiếp đến địa phương. Những thời điểm “nóng” như mùa bão lũ, hạn hán, mùa gặt, mùa tựu trường, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, hay thông tin đột xuất về lịch tiêm chủng, tình hình dịch bệnh… thì chiếc loa công cộng ở xã, phường càng phát huy được tác dụng thông tin nhanh nhất đến với người dân.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, đài xã vẫn đóng vai trò là kênh cung cấp thông tin chính thống, thiết thực cho người dân.
Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, nhìn nhận: “Hệ thống đài xã từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương. Đó là công cụ tuyên truyền hiệu quả các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, cung cấp kịp thời những thông tin về tình hình chính trị, KT-XH, an ninh quốc phòng. Đặc biệt, đài xã có đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền của chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Đài xã phát sóng 2 lần/ngày, nội dung tiếp sóng và phát lại chương trình thời sự của các đài từ trung ương xuống địa phương và phát các chương trình đột xuất theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Một số đài còn tự biên soạn nội dung để “món ăn tinh thần” thêm sinh động. “Cứ 5 giờ kém mỗi sáng là đài truyền thanh xã lại phát sóng, báo thức cả gia đình tôi dậy đi làm. Hôm nào không nghe cứ thấy thiếu thiếu. Các bản tin trên đài hữu ích vì đó là thông tin thời sự, lại sát với đời sống hàng ngày”, bà Nguyễn Thị Loan, ở thôn Hòa Phong, xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn, nhận xét.
“Nhằm cải tổ và nâng cấp hệ thống đài xã, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý đối với hoạt động phát thanh tại xã, đầu tư trang thiết bị vật chất, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ thuật và biên tập cho nhân viên kỹ thuật, biên tập viên đài xã. Nhờ vậy, những năm gần đây năng lực của đội ngũ cán bộ đài xã đã được nâng lên, chất lượng hoạt động được cải thiện”.
Ông BÙI HUY PHÚC, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Sở TT&TT
TP Quy Nhơn có 21 phường, xã thì cũng có chừng ấy đài truyền thanh. Hệ thống đài xã, phường đã đảm bảo phủ sóng đến 100% các thôn, tổ dân phố, với truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây phát sóng FM) chiếm trên 90%, chỉ có đài ở xã đảo Nhơn Châu, xã Nhơn Hải sử dụng truyền thanh hữu tuyến (truyền thanh có dây). “Vì đặc điểm xã đảo chưa có điện ổn định nên không thể sử dụng truyền thanh vô tuyến. Hệ thống truyền thanh hữu tuyến hiện đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông tin của bà con”, bà Nguyễn Thanh Trúc Lài, Trưởng đài truyền thanh xã Nhơn Châu, cho biết.
Tuy nhiên, trong xu thế công nghệ mới, với sự đa dạng và tiện lợi của các phương tiện nghe nhìn, sức hút của đài truyền thanh cơ sở cũng bị giảm sút. “Bên cạnh những người thích nghe đài, nhiều người lại khó chịu với việc bị đánh thức vào sáng sớm vì tiếng loa phát thanh. Họ tìm mọi cách để quay loa sang hướng khác”, ông Hoàng Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, bức xúc. Còn theo bà Đinh Thị Ái Liên, Trưởng đài truyền thanh xã Bok Tới, huyện Hoài Ân, thì: “Cũng có người tỏ ra bực bội và nói đài phát thanh gây ồn, nhưng hầu hết người dân vẫn giữ thói quen tiếp nhận thông tin từ sóng phát thanh”.
Thời gian gần đây, việc sắp xếp, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, khu phố khiến chức danh cán bộ truyền thanh phường, xã không còn nữa mà phải kiêm nhiệm. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động của đài truyền thanh cơ sở…
HỒNG HÀ