Phim Việt 2019 có thể cán mốc 4.100 tỷ đồng
Các số liệu về tổng quan thị trường trong những tháng đầu năm 2019 cho thấy, phim Việt đang có sự tăng trưởng ấn tượng.
Mắt biếc - dự án đang được trông chờ nửa cuối năm 2019
Con số ấn tượng
Theo số liệu từ nhà phát hành CGV, tính đến tháng 5-2019 có tổng cộng 14 phim Việt đã phát hành, doanh thu 715 tỷ đồng, đạt mức trung bình 51 tỷ đồng/phim (so với 18,8 tỷ đồng/phim năm 2018 và 22 tỷ đồng/phim năm 2017). Mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018 là 40%. Nếu so sánh với năm 2018, tổng thị trường chỉ đạt 750 tỷ đồng và năm 2017 đạt 771 tỷ đồng sẽ thấy phim Việt những tháng đầu 2019 đã tạo nên những kỷ lục ấn tượng. “Với đà phát triển như hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng thị phần phim Việt sẽ có mức tăng trưởng tốt so với năm 2018, dự kiến đạt trên 30% thị phần”, đại diện CGV cho biết.
Thống kê chi tiết hơn, chỉ tính riêng trong quý 1-2019 đã có đến 4 phim Việt gia nhập “câu lạc bộ trăm tỷ”: Hai Phượng (200 tỷ đồng), Cua lại vợ bầu (193 tỷ đồng), Lật mặt: Nhà có khách (115 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam), Trạng Quỳnh (100 tỷ đồng). Con số này bằng cả năm 2018 với 4 phim doanh thu vượt 4 triệu USD: Siêu sao siêu ngố (108 tỷ đồng), Tháng năm rực rỡ (85 tỷ đồng), Lật mặt: Ba chàng khuyết (86 tỷ đồng), Chàng vợ của em (87 tỷ đồng).
Sẽ không quá lời khi nói rằng, nửa đầu năm 2019 là thời điểm của những kỷ lục và những tin vui dồn dập với thị trường điện ảnh Việt. Không chỉ phát hành trong nước, nhiều phim còn thẳng tiến ra thị trường nước ngoài. Hai Phượng và Lật mặt: Nhà có khách lần lượt chinh phục các thị trường điện ảnh lớn như Mỹ, Australia, Canada… Một thông tin cũng được ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực - Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, tiết lộ tại Triển lãm Phim và công nghệ phát thanh - truyền hình 2019 (Telefilm 2019): Chỉ sau 10 giờ xuất hiện trên Netflix, bộ phim Hai Phượng đã lọt tốp những phim được tìm kiếm nhiều nhất. Doanh thu của phim hiện vẫn còn gia tăng khi đang tiếp cận thị trường lớn nhất Trung Quốc.
Việc những Hai Phượng, Lật mặt: Nhà có khách được chiếu thương mại ở nước ngoài cho thấy những tiến bộ nhất định của chất lượng phim Việt. Bởi nói như nhà sản xuất Minh Hà: “Để được công chiếu tại Mỹ và Australia Lật mặt: Nhà có khách đã phải vượt qua những đợt đánh giá rất gắt gao với tiêu chuẩn kỹ thuật riêng của điện ảnh quốc tế, từ việc câu chuyện phải cô đọng, không được dài dòng lan man, nhưng vẫn phải đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu đến các khâu hậu kỳ như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc, cũng như các cảnh quay phải đáp ứng được quy chuẩn của các bộ phim Hollywood”.
Có giữ được sức nóng?
Nhìn vào thực tế thị trường các năm qua cho thấy, chưa có năm nào ngay từ đầu tháng 1 phim Việt đã tạo lập nên các kỳ tích. Các năm trước đây, thường phim Việt tăng tốc ở giai đoạn từ giữa đến nửa cuối năm. Tuy nhiên, cán cân thị trường 2019 đang đảo chiều.
“Dự kiến nửa cuối năm 2019, phim Việt sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng tốt về số lượng phim ra rạp. Tuy nhiên, có thể tình hình doanh thu phim Việt nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm, do hầu hết các bom tấn của phim Việt đều đã được trình làng trong giai đoạn đầu 2019”, đại diện CGV chia sẻ.
Nhận định nói trên không phải không có căn cứ. Bằng chứng là trong danh sách các bộ phim đã công bố lịch phát hành từ nay đến cuối năm, nếu điểm danh chỉ có số ít phim đang nhận được nhiều kỳ vọng. Đó là Mắt biếc (dự kiến phát hành tháng 12) đánh dấu sự tái hợp giữa đạo diễn Victor Vũ và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Quyết tâm của đạo diễn Victor Vũ “đưa khán giả quay ngược thời gian, trải nghiệm một câu chuyện tình yêu đầy chất thơ, có thể làm rung động tâm hồn mọi thế hệ” liệu có thành hiện thực, vẫn đang còn là ẩn số. Đó là Chị chị em em - dự án mang màu sắc tâm lý ly kỳ, chứng kiến lần đầu tiên kết hợp giữa 2 ngôi sao Thanh Hằng và Chi Pu trong tác phẩm chào sân của đạo diễn Kathy Uyên. Thật tuyệt vời khi ở bên em của nữ đạo diễn Luk Vân hay Anh thầy ngôi sao của đạo diễn Đức Thịnh dù được chú ý nhưng cũng khó tạo nên đột phá về phòng vé. “Ẩn số này phụ thuộc lớn vào chất lượng của các bộ phim Việt sẽ ra mắt sắp tới, bởi sự đón nhận của khán giả mới là yếu tố cốt lõi quyết định thành công của một bộ phim”, đại diện CGV phân tích thêm .
Danh sách các phim đã lên lịch phát hành khác gồm có: Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh, ngày 16.8), Cha ma (Bá Vũ, ngày 23.8), Ngôi nhà bươm bướm (Huỳnh Tuấn Anh, tháng 9), Anh trai yêu quái (cuối 2019)… Nhiều phim Việt dù đã lên lịch sản xuất và phát hành từ năm 2018, thậm chí trước đó, nhưng vì nhiều lý do nên phải tạm hoãn lịch chiếu. Dự kiến sẽ có khoảng 45 phim Việt được ra rạp trong năm nay.
Việc tăng trưởng của thị trường phim Việt bên cạnh yếu tố chất lượng phim còn là sự phát triển của hệ thống cụm rạp và giá vé. So với năm 2018, giá vé bình quân năm 2019 hiện là hơn 71.000 đồng/vé, cả nước có hơn 931 màn hình, đạt tỷ lệ 11 màn hình/triệu dân. Tuy nhiên, con số này cần tiếp tục được gia tăng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức điện ảnh chất lượng cao của khán giả. Theo dự kiến, toàn thị trường điện ảnh năm 2019 có thể cán mốc 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với con số 3.252 tỷ đồng của năm 2018.
Theo VĂN TUẤN (SGGP)