Báo Ðảng lên miền xa
Mấy năm gần đây, Bưu điện tỉnh Bình Ðịnh (VNPost Bình Ðịnh) tích cực đổi mới, nâng cấp dịch vụ chuyển phát báo. Ðiều này có ý nghĩa rất lớn với người dân ở các huyện miền núi, những vùng xa, đặc biệt đối với bạn đọc Báo Bình Ðịnh. Việc Báo Ðảng địa phương đến tay bạn đọc miền núi sớm hơn góp phần tích cực trong việc tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Niềm mong đợi của bạn đọc
Ông Bùi Thanh Long, trưởng thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm, Phù Cát), tâm sự: “Tôi vẫn thích đọc báo in. Đối với tôi, Báo Bình Định là món ăn tinh thần không thể thiếu. Dù công việc bận rộn, nhưng tôi vẫn cố gắng đón đọc báo hàng ngày để nắm bắt kịp thời thông tin về tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh, đặc biệt thông tin liên quan đến nông thôn mới, hoạt động sản xuất ở địa phương. Báo là kênh thông tin chính thống, độ tin cậy cao, phản ảnh trung thực và chính xác các sự kiện đang diễn ra”.
Nhiều người dân đến Ðiểm bưu điện văn hóa xã Cát Hanh, huyện Phù Cát để đọc báo, đặc biệt là Báo Bình Định.
Tận dụng gần như tối đa thông tin trên báo Đảng địa phương, bà Cao Hoàng Mộng Tiên, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành (Tuy Phước) cho biết: “Ngoài cung cấp thông tin giải trí, với tôi và nhiều bạn bè, Báo Bình Định còn là tài liệu sinh hoạt và tuyên truyền quan trọng về các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tôi rất vui vì sự đổi mới gần đây của Báo Bình Định. Các chủ trương, chính sách được diễn đạt ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo”.
Với ông Đinh Xuân Á, Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới (Hoài Ân), Báo Bình Định như người bạn đồng hành với sự phát triển của xã. “Nhờ có tờ báo, người dân hiểu và nắm bắt được các chủ trương của Đảng và Nhà nước, học hỏi những mô hình sản xuất giỏi để áp dụng vào địa phương mình. Những thông tin về miền núi, vùng sâu, vùng xa đăng trên báo giúp bạn đọc hiểu và chia sẻ khó khăn với chúng tôi, giúp xóa dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi”, ông Á nói.
“Các già làng, người có uy tín tại các thôn, làng rất thích đọc Báo Bình Định. Họ chờ đọc tờ báo này cho nên trước khi đi giao báo, tôi tranh thủ đọc lướt qua thấy có bài viết về địa phương là báo ngay với họ khi giao báo”, ông Trần Văn Trạng, nhân viên phát báo - bưu phẩm xã Bok Tới, chia sẻ.
100% xã có báo đọc trong ngày
Để tờ báo Đảng sớm đến được tay độc giả, Bưu điện Bình Định nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ phát hành báo chí, như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo nhân lực…
Tại khu vực nội thành Quy Nhơn, Bưu điện Bình Định mở 3 tuyến phát báo sớm cho riêng Báo Bình Định, đảm bảo khách hàng nhận được báo trước 6 giờ 30 phút hằng ngày. Tại một số xã miền núi, giờ chuyển phát báo có muộn hơn, nhưng người dân phải được nhận báo trước 9 giờ sáng.
“Làm gì làm, 7 giờ 30 phút mỗi ngày, chúng tôi đã xuất phát để chuyển phát báo, làm sao cho khách hàng nhận báo trước 9 giờ sáng, có như thế mới đảm bảo thông tin nóng hổi và kịp thời, chứ để tới trưa hoặc chiều cầm tờ báo lên đọc mất hết tính thời sự, chả còn gì hấp dẫn”, anh Lê Thanh Hiền, bưu tá xã Cát Lâm (Phù Cát) chia sẻ.
Bưu điện Bình Định đã đầu tư 22 xe ô tô và 50 xe máy chuyên ngành cùng đồ bảo hộ, trang thiết bị cần thiết nhằm đồng bộ hóa quy trình, rút ngắn thời gian giao hàng và giảm tối thiểu sức lao động cho công nhân trong quá trình tác nghiệp. Nhờ đó, việc phát hành báo trở nên thuận lợi, nhanh và an toàn hơn, tỷ lệ thất lạc báo giảm.
Bưu điện Bình Định hiện có 1 bưu cục khai thác cấp I và 176 điểm phục vụ, 220 tuyến phát với 220 nhân viên phát báo. Hiện 154/159 xã, phường đã được phát Báo Bình Định trong ngày, trừ 5 xã vùng sâu, vùng xa, đường dốc, đèo núi phải đi bộ nên chuyển phát muộn hơn.
“Nhờ chú trọng đầu tư và đổi mới, chất lượng dịch vụ chuyển phát báo đã được cải thiện rõ rệt. Cho đến nay, Bưu điện Bình Định đã đạt 100% số xã có điểm phục vụ và đang hướng tới mục tiêu 100% số xã có báo Đảng đến trong ngày”, ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện Bình Định chia sẻ.
HỒNG HÀ