Ngọn nguồn nét giản dị của Xuân Diệu
Nhà thơ chỉ hơn người thường ở cách dùng chữ, vẫn là những chữ đó thôi, khỏi cần “sáng tạo” thêm những chữ mới chưa có trong đời sống và trong ngôn ngữ, nhưng sử dụng chúng thế nào, đặt chúng vào đâu trong văn cảnh, trong trường ngữ nghĩa, trong mạch cảm xúc, điều đó quyết định đẳng cấp nhà thơ.
Gò Bồi, quê mẹ của Xuân Diệu. Ảnh: NGUYỄN SA HUỲNH
***
Xuân Diệu thường có một giọng thơ đặc biệt tâm tình, đặc biệt khẽ nhẹ như vậy khi viết về mẹ mình, viết về quê mẹ mình: “Quy Nhơn nhà cũ cạnh chùa Bà/ Gió biển thường vô kể chuyện xa” (Tâm sự với Quy Nhơn). Đó là một giọng thơ thật trầm ấm, chất chứa những nỗi niềm. Và đặc biệt nó giản dị tới mức như những lời nói thường, bất chợt thốt lên. Xuân Diệu sở hữu những câu thơ trau chuốt vào bậc nhất trong thơ Việt. Một nhà thơ như thế vẫn viết được những câu thơ quá đỗi thân gần ấm áp về đời sống, một đời sống êm trôi bình thản, mà nhiều người có khi ta lơ đãng bỏ qua: “Một buổi chiều trong bếp nấu cơm/Má đang lặt rau, lửa nhè nhẹ cháy/ Một buổi chiều trong vườn sạch lá/ Đất còn mang dấu chổi quét ban mai” (Một buổi chiều).
Nếu thơ tình của Xuân Diệu là thơ tình trong khao khát và cố giấu nỗi buồn thất vọng, thì thơ tình yêu cuộc sống của ông lại quấn quít ta như lửa bếp, như nắm rau vừa lặt, như khu vườn chợt quang quẽ “còn mang dấu chổi quét ban mai”. Nguồn cội nào để Xuân Diệu “dùng chữ” thần tình như vậy? Là cái gì nếu không phải từ tình yêu quê xứ, từ mẹ cha yêu thương.
Mỗi khi nhớ về Xuân Diệu, tôi lại hay nhớ tới những hình ảnh vui tươi về ông, một người biết cảm xúc đời sống từ những biểu hiện bình thường nhỏ bé nhất của nó. Cũng là vào khoảng năm 1984 - 1985 gì đó, bấy giờ gia đình tôi đã được chuyển về ở khu tập thể mới xây, được ở một căn hộ có hai phòng, 24 mét vuông, rộng gấp đôi căn phòng gia đình tôi ở trước đó. Một lần Xuân Diệu vào Quy Nhơn, tôi mời ông về ăn cơm với gia đình tôi. Xuân Diệu rất vui khi nhận lời. Đó cũng là một nét tính tình mà tôi rất thích ở ông: không khách sáo, rất thật thà.
Nhà thơ Xuân Diệu
Buổi trưa ấy vợ tôi mua được cá thu còn rất tươi ngoài chợ Lớn Quy Nhơn, và tỉ mẩn làm chả cá, nấu canh chua. Ăn với bún. Tôi rất thích món ăn giản dị này, và không ngờ, Xuân Diệu cũng rất thích. Nhà tôi lúc ấy không có bàn ghế ăn cơm, cả nhà ngồi quây quần ăn cơm trên chiếc giường đôi mà hai đứa con nhỏ của tôi vẫn ngủ. Xuân Diệu rất ung dung ngồi trên giường đó với cả nhà tôi và hai đứa em “xã hội”. Tôi mua được mấy chai bia Sài Gòn, thế là có bữa trưa thịnh soạn.
Ăn bún canh chả cá đã vui, chuyện càng vui. Xuân Diệu ăn rất thiệt tình. Tới lúc xong bữa, ông đứng dậy rời khỏi “giường ăn” không muốn nổi. Tôi biết ông đã ăn rất no, mà tôi cũng no không kém. Hồi đó, thế là vui nhất rồi. Hóa ra, niềm vui, hơn cả niềm vui, là hạnh phúc, nhiều khi chỉ đơn sơ như vậy, giống hệt những câu thơ của Xuân Diệu viết về những cảm nhận đời sống bình thường, những cảm xúc tưởng không thể dễ dàng hơn. Nhưng mà không dễ đâu, nếu nhà thơ không thiết tha với những gì bé nhỏ của đời sống. Với đời sống, sự thiết yếu nhiều khi lại ở những lụn vụn, không để ý thì khó thấy.
Có một hình ảnh về Xuân Diệu khiến tôi nhớ mãi. Ấy là một buổi chiều ở Kiep, Ukraina tháng 5.1985, gọi là chiều vì mùa hè ở châu Âu mãi đến 22 giờ mặt trời mới lặn. Lúc ấy vào khoảng 9 giờ tối, nhưng trời thì kiểu như bên ta là quá hoàng hôn mà non chập choạng. Xuân Diệu ngồi im lặng trên một chiếc ghế đá cạnh bến tàu điện. Trông Xuân Diệu lúc ấy thật buồn, cứ như ông đang nhìn theo từng chuyến tàu điện - con tàu của đời sống đang chạy xa dần nơi ông ngồi, chạy xa mà ông không thể lên tàu, hay ông bị nhỡ tàu. Lúc ấy, có một bà cụ người Ukraina đến bên chúng tôi, nói: “Đây là chuyến tàu điện cuối cùng!”. Xuân Diệu như sững người. Nhưng ông không nói gì. Tôi không thể ngờ, chỉ khoảng 7 tháng sau, Xuân Diệu đã về một nhà ga vĩnh viễn xa lắc xa lơ nào đó.
Dù sau đó chúng tôi còn một chuyến đi thực tế với Xuân Diệu về Tuy Phước quê mẹ ông, nhưng tôi có cảm giác, vào tháng 5 năm 1985 ấy, ở một bến tàu điện xứ người, tôi đã lần cuối cùng được ngồi lặng lẽ bên Xuân Diệu. Bây giờ tôi mới hiểu, cái dáng vẻ lặng buồn như tượng của Xuân Diệu lúc ấy là bởi ông đã linh cảm chuyến đi cuối cùng của mình, và ông tiếc nuối bao nhiêu cuộc đời mình đã yêu đã sống.
Xuân Diệu mất vào độ tuổi rất chín của sự suy nghiệm, của tình yêu đằm thắm với đời sống. Vào độ tuổi ấy, thơ Xuân Diệu chân thành tới độ khiến người đọc rơi nước mắt. Nhất là vào những năm tháng khó khăn cực khổ, khi con người phải xích lại gần nhau để được truyền hơi ấm mà chống chọi với mọi khốn khó đang bủa vây. Bây giờ người ta gọi là “truyền cảm hứng”, chứ hồi đó thì không. Sống trước đã, cảm hứng tính sau đi. Nhưng thơ và con người Xuân Diệu, chính là đời sống. Còn cách “truyền cảm hứng” nào mãnh liệt hơn cách dùng chính cuộc đời và thơ ca của mình để yêu thương mọi biểu hiện dù nhỏ bé nhất của đời sống?
THANH THẢO