SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW:
Bảo tồn, quảng bá những giá trị văn hóa Bình Ðịnh
Sáng 25.6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Qua đó, cho thấy các giải pháp trong Nghị quyết 33 đã được tỉnh ta thực hiện đạt hiệu quả tích cực.
Thực hiện giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết 33-NQ/TW là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa”, ông Võ Văn Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức trong Đảng bộ, hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. UBND các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa để quản lý, kiểm soát, tiếp thu văn hóa tiên tiến, thải loại văn hóa phẩm độc hại”.
Nhà trưng bày Bảo tàng Quang Trung được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã phát huy hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cho khách tham quan.
Hằng năm, Thành ủy Quy Nhơn đều đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đồng thời quan tâm bố trí ngân sách năm sau cao hơn năm trước cho sự nghiệp phát triển văn hóa. “Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố, Mặt trận và các đoàn thể xây dựng các văn bản, đề án, chương trình phối hợp công tác để triển khai thực hiện phát triển văn hóa phục vụ cho việc xây dựng đô thị văn minh. Các cuộc vận động, phong trào quần chúng được tập trung chỉ đạo tích cực, trọng tâm là thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình, khu phố, thôn văn hóa gắn với các phong trào thi đua yêu nước...”, Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Đình Kha cho biết.
Giải pháp “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa” đã được tích cực thực hiện. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về văn hóa được xây dựng khá đầy đủ và đồng bộ, gồm nhiều quyết định, đề án, kế hoạch liên quan đến chính sách pháp luật trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như: Đề án bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát bội và bài chòi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Đề án truyền thông về phát triển phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh…
Từ năm 2014 - 2018, Sở VH&TT đã tiến hành 21 cuộc thanh tra hành chính tại 57 đơn vị; các đơn vị nghiệp vụ tiến hành 169 đợt kiểm tra với 925 cơ sở. Qua đó, phát hiện 154 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 79 trường hợp, ra quyết định xử phạt 69 trường hợp. Công tác đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản và trên mạng internet được chú trọng.
Giải pháp “Xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa” đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan, địa phương. Toàn tỉnh hiện có 69,3% cán bộ quản lý, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, thông tin, TDTT có trình độ đại học, trên đại học đúng chuyên ngành. Hệ thống tổ chức bộ máy của các cơ quan hoạt động văn hóa, nghệ thuật được củng cố đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Việc quy hoạch, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp văn hóa được tiến hành theo quy định và theo tình hình thực tế của tỉnh. Từ năm 2018 đến nay đã tiến hành sáp nhập Ban Quản lý di tích tỉnh vào Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thành Bảo tàng Bình Định; sáp nhập Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh vào Trung tâm Văn hóa tỉnh thành Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trường Trung cấp VH-NT tỉnh thuộc Sở VH&TT đã sát nhập vào Trường CĐ Bình Định.
Tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm thực hiện giải pháp “Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa”, với tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2014 - 2019 lên đến hơn 234 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và các nguồn vốn tài trợ khác, nhiều công trình, di tích lịch sử - văn hóa đã được đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị. Cơ chế, chính sách đối với hoạt động văn hóa đã góp phần thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh những năm qua.
“Cần tiếp tục quán triệt triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, chương trình hành động của Tỉnh ủy trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng trên lĩnh vực văn hóa. Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa với nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), tiếp tục thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bảo tồn và phát huy, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Bình Ðịnh, từng bước đưa võ cổ truyền Bình Ðịnh và nghệ thuật truyền thống Bình Ðịnh vào các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Các địa phương, ngành, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa, con người Bình Ðịnh, ưu tiên bố trí, phân bổ nguồn lực, ngân sách để thực hiện. Ðề xuất và kiến nghị kịp thời cơ chế thu hút, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống của tỉnh...”
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN (Trích phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị)
HOÀI THU