Ðôi voi đá ở Thành Hoàng Ðế: Những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc
Ðôi voi đá hiện đang được đặt đứng đăng đối ở khu vực di tích Tử cấm thành của Thành Hoàng Ðế, TX An Nhơn là hai tác phẩm nghệ thuật mang phong cách độc đáo thuộc nền điêu khắc Champa.
Tượng voi cái, được tạo tác trong tư thế động; đầu to; trán nở; đầu đội vương miện, hai đầu vương miện buông xuống hai vòng trang sức; hai mắt nhỏ; hai tai ép sát vào mang tai; Cổ đeo dải yếm, trên dải yếm trang trí bộ lục lạc hình quả trám; hai ngà voi bị gãy, đuôi dài; thân tròn thon, căng đầy sức sống, trên thân trang trí hai đường dây thừng thắt bện vuông góc bắt qua hai bên; bốn chân to vững chãi.
Tượng voi cái
Tượng voi đực trong tư thế động, đang bước tới phía trước; mặt hơi ngoảnh sang bên trái, nghệ thuật tạo hình sống động, quanh cổ trang trí khắc nổi 6 lớp dây thừng thắt lại phía sau gáy; thân căng tròn, to khỏe, đầy sức sống; đầu to; trán nở; hai tai xòe rộng; hai mắt nhỏ; hai ngà voi bị gãy; đầu vòi voi cuốn vào chân trái; bốn chân to khỏe; đuôi dài .
Về phong cách tạo hình và những họa tiết trang trí, so sánh với các hình tượng voi khác trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa, có thể xác định thuộc phong cách Tháp Mẫm, thế kỷ XIII. Đây là hai tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đạt những tiêu chí về bảo vật quốc gia.
Trước tiên đây là những hiện vật gốc độc bản. Hình tượng con voi trong điêu khắc Champa xuất hiện sớm nhất ở dạng phù điêu, khắc trên bệ thờ Vihara tại Phật viện Đồng Dương (thế kỷ IX). Voi thể hiện ở dạng phù điêu trang trí thường có kích thước nhỏ, chức năng dùng để trang trí bệ thờ hay ở những cấu kiện kiến trúc của đền tháp Champa, thường tạc trực tiếp trên tường gạch như ở một số đền tháp trong thánh địa Mỹ Sơn, chân đế tháp Chiên Đàn, tháp Bình Lâm. Có ba phù điêu voi hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhưng kích thước, quy cách đều nhỏ.
Đôi voi đá ở thành Hoàng Đế là một trường hợp rất đặc biệt, thể hiện ở dạng tượng tròn và có kích thước cực lớn. Xét về độ tinh tế, sắc xảo thì hai tượng voi này là những tượng voi chạm khắc nổi đẹp, hoàn chỉnh và kích thước lớn nhất còn lại đến nay.
Xét về kết cấu bố cục hình thể, nghệ thuật tạo hình của nghệ nhân Champa đạt trình độ cao, đôi voi sinh động như voi thật, tỉ lệ tạo tác tượng cân đối hài hòa mang giá trị mỹ thuật cao, phần trang trí lại mang ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn tính hiện thực.
Nếu phân tích những hình tượng ở bộ trang sức trên tượng voi cái, có thể thấy rằng, tượng voi đá thành Hoàng Đế là tượng voi duy nhất có tấm dải yếm trước ngực. Và một đặc điểm nữa là những dải băng trang trí hình thoi trên vương miện và tấm dải yếm lại có những nét tương đồng với những phù điêu voi dải băng trang trí diềm mái trên đền tháp Dương Long (mang ảnh hưởng phong cách kiến trúc Khmer). Chính vì vậy, có thể nhận định rằng cặp tượng voi đá thành Hoàng Đế là sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa các họa tiết trang trí, nét sinh động, uyển chuyển trong nghệ thuật tạo hình truyền thống của Champa và sự uy nghiêm, bề thế bởi ảnh hưởng của nền nghệ thuật điêu khắc Khmer.
Hai tượng voi đá thành Hoàng Đế rất xứng đáng là những bảo vật quốc gia. Đây là những tác phẩm đặc sắc trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa và là những hiện vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa.
Vào thế kỷ XVIII, Nguyễn Nhạc cho xây sửa tòa thành của người Champa xưa, định đô và gọi là thành Hoàng Ðế. Ðầu thế kỷ XIX, khi đánh bại vương triều Tây Sơn, Nhà Nguyễn cho tháo dỡ tòa thành để lấy vật liệu xây thành Bình Ðịnh tại một vị trí khác. Qua nhiều biến động, dấu vết kinh đô của vương quốc Champa còn rất ít, chỉ còn lại đôi voi đá kể trên, ba tượng sư tử đá, hai tượng hộ pháp ở chùa Nhạn Sơn, tháp Cánh Tiên cùng những phế tích tháp xung quanh. Nhiều thế kỷ trôi qua, đôi voi đá vẫn còn đó và được xem là vật chứng của biến động lịch sử trên một vùng kinh đô cũ.
HỒ THÙY TRANG