Trên từng dặm dài khảo nghiệm...
Những dòng sông. Làng. Và những người con gái của Lê Hoài Lương (NXB Hội Nhà văn, 2019), tên sách cũng là tên một tản văn trong tập dường như là dòng chảy cảm thức xuyên suốt của tác giả trên từng bước đường khảo nghiệm. Dòng chảy ấy có lúc êm trôi dịu dàng có lúc xiết gào muôn hình vạn trạng. Qua từng trang viết, nhà văn cộng hưởng với người đọc bằng sự tri nhận sắc sảo và đôi khi là sự giằng giữ những nét đẹp hồn người.
42 tản văn trong sách khi là những tản mạn về hoa, về rượu, về chợ quê ngày cũ, lúc là những ấn chứng về đời người, về nghề viết, về phận người nông dân miệt mài làm lụng… Hết thảy hiện lên gần gũi mà sinh động. Có nhiều trang viết, như kéo người đọc về những thân thương hoài niệm: “Ba tôi chống sõng vớt củi cho gia đình. Tôi cũng vậy. Nhưng tôi còn có thú vui khác khi mỗi thứ vớt được gợi một chút suy nghĩ, tiếc thương. Thương cho đời củi lênh đênh. Cũng như thương ba má tôi một đời cơ cực, chắt bóp để tồn tại”. (Chống sõng vớt củi trên đồng).
Đọc tập sách, dễ thấy nhà văn là người có trách nhiệm với con chữ. Với từng vấn đề, ông đều kiến giải tỉ mỉ, chu đáo. Và, thể hiện góc nhìn, quan điểm của mình một cách rõ rành, sòng phẳng. Tôi thích những bài viết như Hồn rừng, Đàn chim và cành cây cong xả lũ, Đi cho biết đó biết đây… Ở đó, nhà văn mang đến sự thú vị khi đề cập đến những vấn đề xã hội, nó hôi hổi những rung động cảm xúc, những phát hiện, góc nhìn sắc sảo. Ví như trong tản văn Đi cho biết đó biết đây, tác giả không đồng tình với cách làm du lịch theo kiểu lôm côm, chụp giật, hời hợt, không chịu trau dồi và làm giàu kiến văn của mình. Điều đó, có lẽ không chỉ riêng một ai, bởi hành trình đi, đọc, trải nghiệm, thu nhận luôn là cần thiết với mỗi con người. “Đi là một hành trình dài. Người ngồi một chỗ vẫn đi. Người nằm trên giường bệnh vẫn đi. Người mù bẩm sinh vẫn đi. Đi bằng mọi phương tiện loài người làm được. May mắn cho tôi, cho những ai đi bằng đôi chân mình, đôi mắt mình, trí tuệ mình. Bạn hẳn sẽ có lý, dù khác. Nhưng xin chúc phúc cho những người đi đúng nghĩa chứ không phải xê dịch từ nơi này đến nơi khác. Bởi, trên từng dấu chân mình trong lộ trình ngắn ngủi một đời người, con người vẫn có thể đi nhiều gấp vạn lần số kilômet đã qua”.
Đến với Những dòng sông. Làng. Và những người con gái, bạn đọc thật khó rời ra những trang viết ấy. Nó lôi cuốn bởi lối viết trí tuệ và cảm xúc, quyến dụ người đọc qua câu chữ lúc tinh lọc sắc gọn, khi tung tẩy bàng bạc nỗi niềm. Và muôn vẻ đời sống, cứ khúc xạ, cộng hưởng vào người đọc, gợi bao suy gẫm ngay cả khi người đọc đã khép những trang sách cuối cùng.
VÂN PHI