Ồn ào danh xưng “Nữ hoàng Thương hiệu”: Sẽ rà soát, chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn
Chiều 10.7, đơn vị tổ chức chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam” thông tin về những ồn ào xung quanh việc tổ chức chương trình cũng như những danh hiệu “Nữ hoàng” mà đơn vị này tôn vinh. Đơn vị này khẳng định, chương trình trên không phải cuộc thi sắc đẹp mà là để tôn vinh cá nhân. Tuy nhiên, cá nhân phải nộp hồ sơ với số tiền 10 triệu đồng.
Ban tổ chức chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam” giải thích về những ồn ào của chương trình.
Theo đó, Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) đã ủy quyền cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam năm 2019”. Đây là chương trình được tổ chức định kỳ hằng năm.
Ngày 13.6.2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang theo giấy phép số 551/GP - SVHTT&DL.
Ngày 4.7.2019, Sở VH-TT Hà Nội đã ban hành văn bản số 2365/SVHTT-QLNT gửi cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh về việc tiếp nhận thông báo tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam năm 2019”.
Tuy chương trình chưa diễn ra nhưng đã gây xôn xao dư luận vì Ban tổ chức phát hành giấy mời với tên gọi khác là “Chung kết trao giải Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019”. Giấy mời này được gửi tới những người đẹp có danh xưng rất… “kêu” như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam.
Lý giải về việc này, bà Nguyễn Thụy Oanh (người xưng là Á hoàng Doanh nhân Việt Nam) - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh, Trưởng ban tổ chức chương trình đã xin lỗi vì… sơ suất không kiểm soát được bộ phận thiết kế và dẫn đến hiểu lầm đây là cuộc thi sắc đẹp.
Về các danh hiệu đang gây ồn ào như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…, bà Thụy Oanh khẳng định, đó là những danh hiệu được trao trong chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam”. Những danh hiệu này do Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng chứ không phải là cuộc thi sắc đẹp.
Bà Thụy Oanh cũng cho biết, năm 2018, chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam” đã trao 26 danh hiệu, trong đó có 11 danh hiệu Nữ hoàng, 15 danh hiệu Á hoàng và Top 5, Top 10.
Trong chương trình năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ tôn vinh 10 ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề sẽ có 1 Nữ hoàng, 2 Á hoàng.
Trước đó, Ban tổ chức nhận được 700 đơn đề nghị đăng ký xét duyệt được tôn vinh là Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019. Theo yêu cầu của Ban tổ chức, những hồ sơ lọt vào vòng chung kết xét duyệt thì phải đóng 10 triệu đồng tiền lệ phí (năm nay có 40 hồ sơ vào vòng chung kết).
Chiều 10.7, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, đã giao thanh tra Sở giám sát chặt chẽ chương trình.
“Chúng tôi tiếp nhận giấy phép là chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ban tổ chức tổ chức thi người đẹp, trao tặng danh hiệu là sai với giấy phép. Nếu đơn vị này tổ chức sai với nội dung xin cấp phép thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định”, ông Tô Văn Động khẳng định.
Trả lời báo chí về các danh xưng nói trên, Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã yêu cầu phòng chức năng phối hợp với một số địa phương rà soát lại việc cấp phép tổ chức các hoạt động liên quan.
Những danh xưng tự phong, tự nhận rất “kêu” như: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng…”, “Ông hoàng”... đang khiến dư luận bất bình. Bộ VH,TT&DL sẽ siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.
Người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL cũng khẳng định, tổ chức và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là một nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức với các nội hàm cũng như quy trình, danh hiệu trao tặng trong các cuộc thi đều phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Việc cấp phép các cuộc thi nhan sắc hiện nay được quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP. Theo đó, cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm không tổ chức quá 2 lần, cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương mỗi năm tổ chức không quá 3 lần và thi người đẹp cấp tỉnh mỗi năm tổ chức không quá 1 lần. Các cuộc thi này đều phải được cấp phép theo quy định.
Các nghị định cũng quy định rõ cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ VH,TT&DL cấp phép; thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục NTBD cấp phép; thi người đẹp ở các địa phương do UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép. Đề án tổ chức cuộc thi phải nêu rõ tên gọi, mục đích, ý nghĩa, thể lệ cuộc thi; nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức thi; danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng, thời gian trao giải...
Theo HOÀNG LÂN (HNM)