Có phải là từ láy?
Trong tiếng Việt, có không ít từ bị nhầm là từ láy. Đó là những từ mang hình thức từ láy (các yếu tố cấu thành quan hệ về ngữ âm) nhưng kỳ thực lại là từ ghép (các yếu tố cấu thành quan hệ về ngữ nghĩa), chẳng hạn như: bay nhảy, bờ bãi, cỏ cây, sông suối…
Hùng hổ cũng là một trường hợp như vậy. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ đây là từ láy phụ âm đầu. Trên thực tế, một số cuốn từ điển từ láy đã ghi nhận hùng hổ là một từ láy. Tuy nhiên, đây đích thực lại là một từ ghép. Hùng hổ là một từ gốc Hán. Điều thú vị là, trong tiếng Hán, có ít nhất hai từ hùng hổ. Đó là: 1. hùng hổ là con cọp đực (như hùng sư: con sư tử đực, hùng kê: con gà trống); 2. hùng hổ là con gấu và con cọp (hùng: con gấu, ví dụ bạch hùng: gấu trắng; hùng mộng: giấc mơ thấy gấu, điềm báo sinh con trai).
Nét nghĩa “tỏ ra hung hăng, dữ tợn” của hùng hổ trong tiếng Việt xuất phát từ hùng hổ 2 vừa nêu. Điều này bắt nguồn từ thói quen lấy tên của sự vật để gọi cho tính chất đặc trưng của sự vật đó trong nhiều ngôn ngữ. Hùng hổ được dùng với nghĩa “hung hăng, dữ tợn” bởi đây là tính chất tiêu biểu của con hùng, con hổ. Trong tiếng Việt, ta còn gặp trường hợp tương tự là hổ báo. Đây cũng là một từ gốc Hán và có cơ chế chuyển nghĩa giống hệt hùng hổ. Tuy nhiên, hùng hổ bị nhầm là từ láy là bởi, so với báo, hùng chưa được Việt hóa hoàn toàn, do đó, xa lạ trong tiếng Việt; hơn nữa, nó lại trùng hợp ngẫu nhiên phụ âm /h/ với hổ.
Như vậy, qua trường hợp hùng hổ, có thể rút ra một mẹo xác định từ láy cho chúng ta, nhất là các bạn học sinh. Đó là, cố gắng xác định nghĩa gốc của từng yếu tố trong từ, nếu chúng có quan hệ về nghĩa thì chắc chắn không phải là từ láy.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ