Ðề án dạy và học ngoại ngữ: Vượt khó, vì lợi ích của học sinh
Trong năm học 2019 - 2020, việc triển khai thực hiện Ðề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh tiếp tục có những bước tiến mới.
Bên cạnh những thuận lợi, thành công nhất định, tỉnh tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhằm tiếp tục hoàn thiện Đề án, phát huy tối đa lợi ích của Đề án trong sự nghiệp giáo dục.
Chương trình tiếng Anh 10 năm
Ông Trần Văn Cơ, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), cho biết, môn ngoại ngữ tại chương trình phổ thông ở tỉnh ta gần như chỉ dạy tiếng Anh (riêng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn còn có thêm tiếng Nhật); chương trình tiếng Anh trước đây là chương trình 7 năm (từ lớp 6 - 12) còn chương trình theo Đề án là chương trình 10 năm (từ lớp 3 - 12). Chương trình mới tập trung phát triển khả năng tự học của các em, bổ sung nâng cao kỹ năng nghe - nói cho học sinh, mục tiêu đặt ra là sau khi học xong chương trình các em có thể giao tiếp được.
Chương trình tiếng Anh 10 năm sẽ thay cho chương trình tiếng Anh 7 năm.
Để chuẩn bị cho chương trình tiếng Anh 10 năm, các phòng GD&ĐT đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất. Đặc biệt, tập trung đầu tư về con người, hiện nay tỷ lệ giáo viên môn tiếng Anh đạt chuẩn ở tỉnh ta là 94,92%. Để đảm bảo năng lực đứng lớp, các giáo viên phải có năng lực tiếng Anh bậc B2 đối với tiểu học, THCS, bậc C1 đối với THPT. “Một vài năm đầu khi triển khai chương trình, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, trục trặc ở cả khâu “dạy” và “học” nhưng chắc chắn khi vận hành đều, vào guồng, mọi thứ sẽ thuận lợi, trôi chảy hơn, lúc ấy người học sẽ được hưởng lợi rất nhiều”, ông Cơ cho biết.
Theo Ðề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh, năm học 2019 - 2020 sẽ triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh 10 năm cho 100% học sinh các lớp 6, 7, 8, 9, 10; phấn đấu đến năm 2020 có 100% học sinh từ lớp 3 - lớp 5 được học chương trình ngoại ngữ 10 năm và 30% trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được làm quen tiếng Anh trong trường mầm non.
Trong năm học 2018 - 2019, tỷ lệ dạy chương trình tiếng Anh 10 năm ở các khối lớp là: Khối lớp 6 có 71,56% số lớp, khối lớp 7 có 49,10%, khối lớp 8 là 23,60%, khối lớp 9 là 24,65%; ở cấp tiểu học đã triển khai dạy khoảng 99,8% số lớp. Tuy nhiên, theo bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT), một số điểm trường ở khu vực miền núi vẫn còn rất khó khăn, chưa thể triển khai chương trình vì thiếu giáo viên. Đồng thời, bên cạnh những trường dạy đủ 4 tiết/tuần vẫn có những trường chỉ dạy 2 tiết/tuần vì thiếu phòng học.
Bà Hà Thị Thu Hằng, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi toàn diện cách dạy, phải làm sao giúp các em phát huy được khả năng tự học, đồng thời tập trung hơn vào kỹ năng nghe - nói. Muốn làm được như vậy, chính người dạy phải nâng trình độ của mình trước”.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Đề án, đến năm 2020, 30% trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được làm quen tiếng Anh trong trường mầm non. Tuy nhiên, hiện ở bậc mầm non không có biên chế giáo viên tiếng Anh, nên theo quy định trong Kế hoạch thực hiện Đề án do tỉnh phê duyệt, phải dùng ngân sách để hợp đồng giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên ở những nơi không thể dùng ngân sách để chi trả, các trường buộc phải vận động thực hiện xã hội hóa.
Năm học 2018 - 2019, theo mục tiêu đặt ra, cả tỉnh sẽ có 18 trường mầm non cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Thống kê cuối năm học cho biết, có 17 trường đã làm được điều nay, tuy nhiên không đều ở các địa phương, như TP Quy Nhơn vượt chỉ tiêu 3 trường, Phù Mỹ vượt 1 trường, lại có những huyện không thực hiện được.
Một vấn đề khác, nếu như các trường mầm non tư thục, đặc biệt là các trường ở TP Quy Nhơn dễ dàng ký hợp đồng với giáo viên tiếng Anh thì cũng ngay tại TP Quy Nhơn, việc các trường công lập ký hợp đồng giáo viên tiếng Anh không đơn giản. Để giúp trẻ làm quen với tiếng Anh, nhà trường buộc phải nỗ lực rất nhiều.
Chưa hết, việc hợp đồng giáo viên vẫn còn vướng mắc. Vì thiếu giáo viên dạy tiếng Anh bậc mầm non nên các trường phải hợp đồng giáo viên tiếng Anh ở các bậc năng lực khác. Tuy nhiên, phần nhiều những giáo viên này đều thiếu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non theo quy định. Do vậy, nhiều địa phương buộc phải linh hoạt trong việc hợp đồng giáo viên.
Hoài Nhơn là huyện đầu tiên dùng ngân sách hợp đồng giáo viên tiếng Anh. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, bà Nguyễn Thị Hoài Anh, chia sẻ: “Nhờ huyện quan tâm nên năm vừa rồi Phòng GD&ĐT huyện có hợp đồng với giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học về dạy cho Trường mầm non Bồng Sơn và Trường mầm non Tam Quan. Chúng tôi chọn giáo viên nữ dạy lớp 1, lớp 2 để gần gũi với bậc mầm non hơn. Điều quan trọng là các cô phải thật sự yêu mến trẻ!”.
THẢO KHUY