Tầm soát, ngăn chặn sách in lậu
Trước thềm năm học mới luôn là thời điểm sôi động của thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo… khi phụ huynh tập trung mua sắm, trang bị cho con em đến trường. Tuy nhiên, nạn sách in lậu, làm giả khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng.
Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh kiểm tra một lô sách giáo khoa có dấu hiệu in lậu tại nhà sách Mỹ Huyền (huyện Hoài Nhơn).
Nỗi lo sách in lậu
Theo Sở TT&TT, sách lậu là một vấn đề nan giải với các nhà xuất bản (NXB). Bởi thực tế, thời gian qua những hành vi liên quan đến việc mua bán, kinh doanh sách in lậu đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Định với chiều hướng phức tạp, khó kiểm soát. Trong số đó, NXB Giáo dục Việt Nam là đơn vị có số đầu sách bị in lậu nhiều nhất.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết: Từ ngày 10.6 - 21.6.2019, Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh đã tiến hành kiểm tra 13 cơ sở in và phát hành xuất bản phẩm trong tỉnh (trong đó, có 8 cơ sở in và 5 cơ sở phát hành xuất bản phẩm). Kết quả kiểm tra cho thấy, 8 cơ sở in thực hiện khá tốt các quy định có liên quan. Tuy nhiên, có 3/5 cơ sở phát hành xuất bản phẩm có bày bán một số đầu sách, gồm sách giáo khoa, sách tham khảo có dấu hiệu in lậu.
Trong số này có nhà sách Mỹ Huyền, ở thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Cụ thể, trưa ngày 12.6, Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh đã kiểm tra kho sách của nhà sách này và phát hiện việc tàng trữ, kinh doanh 72.602 cuốn sách giáo khoa có dấu hiệu in lậu với tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Thời điểm kiểm tra, tem dán trên số sách này khác với tem của NXB Giáo dục Việt Nam. Các loại sách trên chủ nhà sách không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Vụ việc này đang được CA tỉnh thụ lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây chỉ là một trong số các vụ in - phát hành xuất bản phẩm lậu mà các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Theo NXB Giáo dục Việt Nam, với sách giáo khoa nếu mua phải sách in lậu, kém chất lượng thì giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ không sử dụng được các tiện ích, phần mềm hỗ trợ dạy và học được cung cấp trong sách thật. Chị Lương Thị Như Thi, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường Tiểu học số 2 Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), ví dụ: “Sách tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam được dán thẻ cấp quyền sử dụng phần mềm hỗ trợ. Các sách mềm/phần mềm này sẽ hỗ trợ giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học giúp học sinh tăng thời lượng thực hành, rèn luyện kỹ năng phát âm, tự làm bài tập và kiểm tra kết quả làm bài của mình. Nhưng với các sách tiếng Anh giả người dùng sách sẽ không thể sử dụng các tiện ích này”.
Ông Nguyễn Xuân Trang, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, cho biết thêm: “Khi mua phải sách in lậu, sách giả, học sinh phải học tập trên các cuốn sách có giấy in và mực in kém chất lượng. Đặc biệt, đối với học sinh khối tiểu học việc khai thác kiến thức chủ yếu qua kênh chữ và kênh hình. Trường hợp, học sinh sử dụng sách in lậu có chất lượng in kém, ảnh mờ thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý tiếp nhận”.
Ngoài ra, những cuốn sách in lậu không được kiểm duyệt, phần thông tin xuất bản thể hiện không chính xác. Chất lượng sách in lậu thường kém hơn sách thật, bị mất nét, mờ chữ. Nhiều sách bị lỗi keo dán làm bong ra từng mảng, đóng xén méo lệch, nhăn gáy, thiếu hoặc lộn trang.
Cần lựa chọn các nhà sách uy tín
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm: “Trước thềm mỗi năm học, Sở có công văn gửi phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phổ biến, hướng dẫn cách phân biệt sách thật và sách in lậu, nhất là sách tiếng Anh để giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm bắt. Đồng thời, Thanh tra Sở còn phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở in ấn, mua bán và kinh doanh sách giáo khoa, sách tham khảo… nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, phụ huynh và học sinh khi sử dụng sách”.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết thêm: “Thời gian tới, Đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở in ấn, phát hành xuất bản phẩm trong tỉnh; trong đó lưu ý kiểm tra các điều kiện in ấn, phát hành và các quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các hành vi sai phạm được phát hiện đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Để phụ huynh không mua phải sách giả, kém chất lượng, ông Phạm Đình Thuấn, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị Bình Định, khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh nên mua sách giáo khoa và các sản phẩm sách bổ trợ, sách tham khảo của NXB Giáo dục Việt Nam tại cửa hàng sách thuộc đơn vị đóng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hoặc cửa hàng thuộc hệ thống của NXB Giáo dục Việt Nam, tránh mua sách trôi nổi của các đại lý nhỏ trên thị trường”.
TRỌNG LỢI