“Hải”, “dương” và “biển”
Trong từ vựng tiếng Việt, có nhiều yếu tố chỉ “vùng nước mặn rộng lớn nói chung trên bề mặt trái đất” như hải, dương, biển, bể.
Trong đó, hải và dương là hai yếu tố gốc Hán. Về mặt tự dạng, cả hải lẫn dương đều thuộc bộ thủy (liên quan đến nước). Về mặt nghĩa, chúng đều chỉ biển. Tuy nhiên, giữa hải và dương có sự phân công nhất định về nghĩa. Hải thường được dùng để chỉ biển nói chung. Còn dương thường được dùng với nghĩa “biển lớn”. Cho nên, tên Hán Việt của bốn biển lớn trên thế giới đi với yếu tố dương mà không đi với hải (Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương). Tuy vậy, về chức năng ngữ pháp, chúng bình đẳng với nhau, do đó, có thể kết hợp cùng nhau để tạo nên những tổ hợp đẳng lập như trong hải dương học.
Hải và dương là những hình vị gốc Hán, chưa được Việt hóa hoàn toàn nên không được dùng độc lập như những từ đơn trong tiếng Việt. Một nguyên nhân quan trọng của điều này là bởi trong tiếng Việt, đã có những hình vị độc lập tương đương là biển và bể. Khi vào trong tiếng Việt, chúng không đủ sức thay thế biển và bể, thậm chí còn xa lạ với tâm thức ngôn ngữ của người Việt.
Trong những yếu tố trên, bể là một phương ngữ nên phạm vi sử dụng hẹp hơn. Biển là từ được dùng rộng rãi nhất. Lượng từ ngữ liên quan có yếu tố biển lớn hơn nhiều so với những yếu tố còn lại. Có thể kể ra như: biển cả, biển khơi, biển hồ, Biển Đông, bãi biển, bờ biển, đường biển, sóng biển, cá biển, tàu biển, cảnh sát biển…
Không chỉ trong ngôn ngữ, biển còn xuất hiện thường xuyên trong thơ, truyện dân gian, các tác phẩm văn học viết. Chẳng hạn, thành ngữ có: rừng vàng biển bạc, trời cao biển rộng…; ca dao có: Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông, Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai lấy thước mà đo lòng người… Có điều này là bởi từ bao đời nay, biển (một phần thiêng liêng của chủ quyền đất nước) luôn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ