Mô hình tổ hội nghề nghiệp ở An Lão
Thực hiện Ðề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2017, Hội Nông dân huyện An Lão đã xây dựng điểm 2 mô hình tổ hội nghề nghiệp.
Một thành viên tổ hội chăn nuôi bò lai sinh sản chăm sóc đàn bò của gia đình.
Hội Nông dân xã An Tân đã thực hiện tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò lai sinh sản tại các thôn Tân Lập, Thuận An, Thanh Sơn gồm 20 hộ hội viên tham gia với tổng đàn bò 80 con. Sau khi thành lập, các thành viên được đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò lai sinh sản, được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng. Theo ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân, thực hiện mô hình với tổ hội nghề nghiệp, nông dân đã liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi bò lai sinh sản, chia sẻ kinh nghiệm, thực hiện nguyên tắc “buôn có bạn bán có phường” nên hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Nhiều hộ đã đạt mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tổ hội nghề nghiệp thứ 2 là tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, với 20 thành viên. Quy mô mỗi hộ trồng trung bình 0,5 ha dâu tằm. Sau khi thành lập, các thành viên của tổ được tập huấn kỹ thuật bài bản, được hỗ trợ để vay vốn với lãi suất ưu đãi. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, thành viên của tổ hội trồng dâu nuôi tằm chia sẻ: Tôi theo nghề trồng dâu nuôi tằm đã 20 năm nhưng khi tham gia tổ hội trồng dâu nuôi tằm tôi mới có dịp tiếp cận với nhiều kiến thức, kỹ thuật mới, giống mới tại các đợt tập huấn nên sản xuất hiệu quả hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thành lập 3 tổ hội nghề nghiệp, gồm: Tổ hội nấu rượu kết hợp nuôi heo tại thôn Thanh Sơn, tổ hội trồng rau sạch tại thôn Tân Lập - cùng ở xã An Tân và tổ hội làm bánh tráng mì tại thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa với tổng số thành viên tham gia là 60 hộ.
Đến nay, toàn huyện có 6 tổ hội nghề nghiệp với 120 hội viên trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi... Hội Nông dân huyện đã khai thác các nguồn vốn ưu đãi, giúp các tổ hội nghề nghiệp được vay tổng cộng 2 tỷ đồng. Kết quả khảo sát của Hội Nông dân huyện An Lão cho thấy, từ chỗ sản xuất, trồng trọt đơn lẻ, nhờ có tổ hội nghề nghiệp, các hộ đã mở rộng quy mô sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời do cùng mua vật tư, nguyên liệu với số nhiều, cùng bán sản phẩm nên kết quả đàm phán về giá có nhiều chuyển biến tích cực, có lợi cho nông dân.
Theo ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, việc xây dựng các tổ hội nghề nghiệp là tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
DIỆP THỊ DIỆU