Lãi suất tiết kiệm lên tới 8,9% một năm
Viet Capital Bank vừa đưa lãi suất huy động trên 100 triệu đồng lên 8,9% một năm - mức cao nhất thị trường hiện nay.
Cụ thể, từ 14-18.10, với các khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng, mức lãi suất mà Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) áp dụng cho các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng là 8,5% một năm, 8,7% và 8,9%. Trước đó, mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này là 8,6% cho kỳ hạn 24, 36 tháng. Đại diện ngân hàng cho biết, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong một tuần để tri ân khách hàng trong dịp 20.10 chứ không kéo dài.
Vào giữa tháng 8, cũng chính ngân hàng này đã thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất cao nhất thị trường, lên tới 10,2%.
Trong khi đó, các ngân hàng có vốn nhà nước hiện niêm yết mức lãi suất cao nhất là 7%. ABBank đang huy động với mức lãi suất cao nhất là 8,5% một năm cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cao nhất của Eximbank là 8,4%, PG Bank là 8,2%; Kienlongbank, NCB, ACB là 8% hay NamABank, VIB là 7,99%...
Về lý thuyết, mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường đang được Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông báo lên tới 9% một năm (kỳ hạn 13 tháng) và 8,9% (kỳ hạn 12 tháng). Tuy nhiên mức lãi này chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi cá nhân rất lớn, vượt quá 500 tỷ đồng. Còn đối với các khoản tiền gửi ít hơn 500 tỷ, lãi suất cao nhất mà SHB đưa ra thấp hơn nhiều, khoảng 7,5%.
Từ đầu tháng 10 đến nay, không chỉ Viet Capital Bank mà một số ngân hàng khác cũng đã tăng lãi suất tiền gửi với các kỳ hạn dài hơn 6 tháng, khi nhu cầu huy động vốn ngày càng tăng khi càng bước vào cuối năm.
Từ ngày 3.10, Techcombank tăng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng lên 0,2-0,3% và giảm nhẹ 0,1% với các kỳ hạn còn lại, so với đầu tháng 9.
Ngày 4.10, lãi suất huy động của SHB tăng ở nhiều kỳ hạn dành cho sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Theo đó, lãi suất tối đa SHB áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng, 8,2% kỳ hạn 9 tháng; 8,3% kỳ hạn 12 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 13 tháng.
Đánh giá về xu hướng lãi suất huy động đến cuối năm, các công ty chứng khoán cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ ổn định và khó tăng mạnh, nếu có thì ở các ngân hàng nhỏ và vừa do yếu tố thời vụ. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, về cơ bản, lãi suất ổn định nhưng có thể tăng nhẹ do mặt bằng lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cao. Ngoài ra, còn lý do là các ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn trung, dài hạn để đáp ứng Basel II và dự thảo Thông tư 36 yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Từ cuối tháng 8, Ngân hàng nhà nước cũng đã chỉ đạo kiểm soát chặt việc huy động vốn trước tình trạng nhiều nhà băng liên tục đẩy mạnh chương chương trình huy động, phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao. Theo đó, nhà điều hành cảnh báo đơn vị nào đua tăng lãi suất huy động, ảnh hưởng tới mặt bằng chung có thể bị "hạ" chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo Quỳnh Trang (VnE)