Nỗ lực phát triển BHXH tự nguyện tại miền núi
Hai huyện miền núi Vân Canh và Vĩnh Thạnh đã có nhiều nỗ lực trong vận động người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Vân Canh là huyện miền núi, với hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. BHXH huyện Vân Canh đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động, 8 đại lý bố trí ở hầu hết các xã, thị trấn, vừa làm đại lý thu, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Bà Cao Thị Huệ, đại lý thu xã Canh Vinh cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Ban quản lý từng thôn, để tuyên truyền, giúp người dân nắm được những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Đó là những quyền lợi được hưởng khi ốm đau, bệnh tật và khoản lương nhất định khi về già, giúp cuộc sống ổn định hơn, giảm bớt gánh nặng cho con cháu”.
BHXH tỉnh tặng giấy khen cho những tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Ảnh: HẠNH PHÚC
Huyện Vĩnh Thạnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện trên phương tiện thông tin đại chúng, đối thoại trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đến nay, người dân Vĩnh Thạnh có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại 9 đại lý và 9 điểm Bưu điện văn hóa xã. Bà Đỗ Thị Loan, Giám đốc Bưu điện huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Thời gian qua, Bưu điện huyện đã tổ chức tư vấn cho người dân về chính sách BHXH tại từng thôn, làng, chiếu cho bà con xem các video về tình hình tham gia BHXH tại các tỉnh khác và nghe người dân bày tỏ suy nghĩ của mình về chính sách BHXH ưu việt của Đảng và Nhà nước... Với cách làm này, tại các hội nghị truyền thông về BHXH tự nguyện do Bưu điện huyện tổ chức, đã có hơn 300 người tham gia đóng BHXH tự nguyện”.
Chị Phan Phương Thảo, tuyên truyền viên của Bưu điện huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm: “Được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ thuyết trình và tư vấn tại các hội nghị truyền thông, tôi đã nghiên cứu, khai thác tính nhân văn, ưu việt của chính sách này để có thể thuyết trình một cách ngắn gọn, khúc chiết, rõ ràng cho bà con hiểu. Ngoài thời gian làm việc, tôi tranh thủ đến từng nhà vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và yên tâm tham gia BHXH tự nguyện”. Từ những kinh nghiệm tuyên truyền trong thực tế, chị Thảo đã viết sáng kiến kinh nghiệm về vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và được Bưu điện tỉnh công nhận, phổ biến cho các đơn vị khác học tập và nhân rộng.
Mạnh dạn tham gia
Tính đến ngày 31.10.2019, huyện Vĩnh Thạnh có 597 người tham gia BHXH tự nguyện, vượt 41,4% chỉ tiêu tỉnh giao. Ông Trịnh Xuân Lời, nông dân thôn Tiên An, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ phải làm ở các cơ quan nhà nước, DN mới được đóng BHXH. Sau khi được nhân viên Bưu điện tuyên truyền, tư vấn, tôi mới biết có chính sách BHXH tự nguyện dành cho những người lao động tự do. Tôi thấy chính sách này mang lại nhiều lợi ích cho người lao động nên đăng ký tham gia”.
Được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện, chị Đinh Thị Rút, làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh quyết định trích một phần thu nhập của mình để tham gia với mong muốn được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Chị Rút tâm sự: “Tôi thấy việc chuẩn bị cho bản thân một nguồn thu nhập cần thiết đủ để trang trải cuộc sống khi về già là điều hết sức cần thiết. Tôi sẽ vận động thêm người thân, bạn bè cùng tham gia”.
Tại huyện Vân Canh, số lượng người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện cũng đã tăng lên. Một số người dân đã lựa chọn mức tham gia BHXH tự nguyện tương đối so với mặt bằng thu nhập của huyện miền núi. Ví dụ như ông Phạm Quốc Dũng tham gia với mức thu nhập lựa chọn 8,8 triệu đồng. Nhiều người đăng ký tham gia với mức thu nhập lựa chọn từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng. Một số người đăng ký tham gia theo phương thức 5 năm 1 lần.
XUÂN DŨNG - HẠNH PHÚC