Làng mới ở Tân Lập
Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) đã xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” tại thôn Tân Lập. Sau 2 năm tích cực phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thôn, Tân Lập đã xây dựng được bộ mặt nông thôn mới đáng ghi nhận.
Một góc khu dân cư Tân Lập.
Những năm qua, nhân dân đã đóng góp kinh phí lát gạch block vỉa hè với số tiền hơn 265 triệu đồng. Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp với chính quyền vận động nhân dân, cán bộ, nhà hảo tâm đóng góp 192,6 triệu đồng, cùng với nguồn ngân sách xã là 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng thôn Tân Lập khang trang. Mô hình “Camera an ninh” được triển khai với 18 mắt ở các ngã 3, ngã 4 với tổng kinh phí thực hiện là 250 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 30 triệu đồng.
Hưởng ứng sự vận động của chính quyền, Ban Công tác Mặt trận thôn, nhân dân đã tham gia thực hiện tuyến đường hoa giấy tại đường Tân Lập 2, ĐT638, Tân Lập 5, Tân Lập 6. Tổng số tiền thực hiện là 38,250 triệu đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 22,5 triệu đồng. Tuyến đường hoa bằng lăng được hình thành với 183 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện hơn 50 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 20,1 triệu đồng...
Bà Ngô Thị Tuyết Vân, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Tân Lập, cho biết thêm: “Để giữ gìn tuyến đường xanh, sạch, đẹp, chiều thứ Ba mỗi tuần, bà con địa phương quét dọn đường sá, khu dân cư. Chiều thứ Tư hàng tuần, sẽ có xe thu gom rác đến chở đi. Thôn cũng đang triển khai để sớm hình thành đường hoa giấy, hoa bằng lăng tại 2 tuyến đường còn lại là: Tân Lập 3 và 4”.
Bên cạnh việc chăm sóc cảnh quan, duy trì các mô hình “Gia đình hội viên phụ nữ không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “6 không - 6 có”, “Đường thông hè thoáng”... nhằm giữ gìn ANTT, Khu dân cư Tân Lập cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hộ bà Huỳnh Thị Mãi, 60 tuổi, đã thoát nghèo vào năm 2018 nhờ vào nỗ lực tự thân và sự tương trợ của địa phương. Bà Mãi tâm sự: “Nhà tôi vốn không đến nỗi nào. 4-5 năm trước, dịch heo tai xanh làm gia đình tôi kiệt quệ, mất vốn, lại đang giai đoạn nuôi con ăn học nên đâm ra nghèo. Nhưng mà cả gia đình đều cố gắng, tôi đi khắp nơi nấu ăn cho các công trường, trang trại trồng trọt, chồng tôi đi làm bảo vệ. Địa phương tạo điều kiện vay vốn học sinh, sinh viên, hỗ trợ một con bò giống. Giờ, cả nhà tôi sống dựa vào nghề tráng bánh, nuôi bò, làm ruộng. Con trai út của tôi đang nhân giống 100 cặp bồ câu”.
AN PHƯƠNG