TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI:
Cho mượn “cần câu” chứ không cho “cá”
Hạn chế tối đa việc “cho không”, tăng cường các chính sách có điều kiện kèm theo đang là định hướng quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, tín dụng ưu đãi là một kênh quan trọng, giữ vai trò trụ cột trong việc triển khai định hướng này.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tặng Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong công tác tín dụng chính sách, các hộ dân sử dụng vốn hiệu quả.
Tăng trách nhiệm của người nghèo
Tại đề tài khoa học về “Giảm nghèo bền vững” của Viện nghiên cứu Phát triển KT-XH tỉnh (thực hiện năm 2019), cho thấy trong 230 hộ nghèo, cận nghèo được khảo sát, có tới 80,9% hộ được tiếp cận vay vốn ưu đãi đánh giá cao lợi ích của chính sách tín dụng ưu đãi. 85,7% hộ cho biết việc tiếp cận nguồn vốn vay khá thuận lợi, kịp thời. 84,2% hộ đánh giá cao việc được vay vốn và tham gia các dự án phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo tại địa phương. Khi được hỏi về nhóm chính sách đề xuất Nhà nước tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo, đa số các hộ dân đều đề xuất về hỗ trợ vốn vay ưu đãi. Điều này cho thấy khao khát được lao động, tiết kiệm để phấn đấu thoát nghèo của người nghèo.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ, phó mặc. Theo quan điểm của nhiều cán bộ làm công tác giảm nghèo lâu năm, nguyên nhân của tình trạng này không chỉ nằm ở cá nhân của người nghèo mà còn xuất phát từ một số chính sách “cho không”. Những chính sách “cho không” vô tình tạo ra sức ỳ, thui chột tinh thần, ý thức vươn lên của người nghèo. Việc triển khai các chính sách cho vay với quy trình chặt chẽ từ công tác bình xét đối tượng vay vốn, đến công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội... đang được xem là kênh hỗ trợ hiệu quả với sự vào cuộc của chính quyền, các hội đoàn thể.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ông Trương Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, cho biết: “Toàn xã đang triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi. Công tác xét chọn hộ vay vốn luôn ưu tiên hộ có ý thức vươn lên, có tinh thần lao động, có phương án đầu tư vốn hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, xã không có nợ xấu về tín dụng chính sách xã hội. Từ các chương trình tín dụng ưu đãi, đã có nhiều hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên. Để tiếp tục phát huy hiệu quả, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của UBND xã đối với tín dụng chính sách xã hội; phát huy hiệu quả của các tổ chức chính trị xã hội, ban thôn, ban quản lý Tổ tiết kiệm vay vốn trong tổ chức bình xét, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay trả nợ, lãi đúng hạn”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phục, 53 tuổi, ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, chia sẻ thêm: “Tôi vay vốn hộ nghèo 40 triệu đồng. Tháng 9.2019 là tôi gom đủ tiền để trả hết vốn vay. Tôi sợ nợ nần nên vay xong, đầu tư mua bán, được chút nào là gom trả hết nợ, rồi sau đó mình để dành lại sau. Nhà nước đã tin tưởng cho vay với lãi suất thấp, mình không thể vô trách nhiệm được”.
Sự quan tâm của địa phương
5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (2014-2016), nguồn vốn địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng 105,2 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến ngày 30.11.2019 đạt 128,2 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh ủy thác đạt 117,6 tỷ đồng, ngân sách huyện ủy thác đạt 10,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự quan tâm, dành nguồn lực cho người nghèo, các đối tượng chính sách giảm nghèo thông qua kênh tín dụng ưu đãi có điều kiện của tỉnh.
Riêng 11 tháng năm 2019, nguồn vốn địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tăng 30,6 tỷ đồng so cuối năm 2018. Trong đó, vốn UBND tỉnh chuyển sang 24 tỷ đồng và 1,69 tỷ đồng vốn bổ sung từ trích Quỹ dự phòng rủi ro. Vốn ngân sách từ các huyện ủy thác là 4,95 tỷ đồng. TX An Nhơn dẫn đầu với 1 tỷ đồng. Các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn về nhì khi đều ủy thác ở mức 700 triệu đồng/huyện...
Nguồn vốn địa phương tập trung triển khai cho vay 3 chương trình tín dụng: cho vay hộ nghèo; vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến cuối tháng 11.2019, tổng doanh số cho vay chương trình cho vay hộ nghèo từ nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 4,3 tỷ đồng, với hơn 100 lượt hộ vay. Dư nợ đạt 11,3 tỷ đồng với hơn 340 khách hàng còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 23 tỷ đồng, với 730 lượt hộ đã được vay vốn. Dư nợ đạt 65,2 tỷ đồng với 2.337 khách hàng còn dư nợ.
Chương trình cho vay xuất khẩu lao động có tổng doanh số là 32,6 tỷ đồng, với 429 lao động. Dư nợ đạt 50,5 tỷ đồng với 753 khách hàng còn dư nợ; bình quân dư nợ một hộ đạt 67 triệu đồng. Ở chương trình này, các địa phương có doanh số cho vay, thu nợ, dư nợ lớn là: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tây Sơn, TP Quy Nhơn. Đây cũng đều là những địa phương có số người tham gia xuất khẩu lao động lớn của tỉnh.
NGUYỄN MUỘI