Nguồn gốc của “túy lúy”
Chỉ trạng thái say “đến mức hoàn toàn không còn biết gì nữa”, tiếng Việt có từ túy lúy. Chẳng hạn, có thể nói “chồng tôi ngày nào cũng say túy lúy”.
Trong cảm nhận của người Việt, đây là một từ láy. Hầu hết các cuốn từ điển từ láy tiếng Việt cũng ghi nhận túy lúy là một từ láy. Thật vậy, nếu xét về phương diện ngữ âm thuần túy thì túy lúy là một tổ hợp có hình thức láy, nhưng dựa trên lịch sử ra đời thì túy lúy lại không được hình thành từ phương thức láy.
Còn theo học giả An Chi trong Từ nguyên (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019), túy lúy là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ thành ngữ túy lý càn khôn (túy: say; lý: trong; càn khôn: trời đất), nghĩa là “trời đất trong cơn say”. Trời đất trong cơn say thì quay cuồng, điên đảo. Người xưa dùng thành ngữ này để diễn tả trạng thái say đến mức không còn biết gì.
Nhiều người Việt sử dụng thành ngữ trên chỉ hiểu ý nghĩa “say bí tỉ” nói chung của cả câu mà không rõ nghĩa cụ thể, thậm chí có khi không nắm rõ âm đọc chính xác của từng tiếng, nhất là hai tiếng túy lý. Lại thêm áp lực đồng hóa từ âm đệm [w] (tròn môi) trong túy ở trước lên lý ở sau, làm cho lý bị biến thành lúy. Kết quả là túy lúy càn khôn ra đời. Dần dần, túy lúy tách khỏi câu thành ngữ để trở thành một từ độc lập. Diễn trình này như sau: túy lý càn khôn → túy lúy càn khôn → túy lúy. Như vậy, xét về lịch sử thì lúy trong túy lúy có quá trình ra đời và ý nghĩa cụ thể.
Trong tiếng Việt, ngoài túy lúy, bí tỉ, còn có nhiều cách diễn đạt về cơn say như say quắt cần câu, say tít cung mây, say tít cung thang, say tít mù khơi… Trên phương diện ngôn ngữ, đây là những lối ví von rất hình ảnh, độc đáo, ấn tượng. Còn trong cuộc sống, say đến mức như vậy thì chắc hẳn không phải là những hình ảnh đẹp.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ