Nguồn gốc của “tết nhất”
Theo một số nhà nghiên cứu, tết nhất là một dạng biến âm của tiết nhật (ngày tết). Tuy nhiên, điều này không thuyết phục. Về phương diện ngữ âm, rất khó để một thanh nặng chuyển đổi thành thanh sắc. Về phương diện ngữ nghĩa, tiết nhật (ngày tết) mang nghĩa cụ thể; trong khi đó, tết nhất (tết nói chung) lại mang nghĩa khái quát với phạm vi rộng hơn. Về phương diện ngữ pháp, tiết nhật là một cấu trúc chính - phụ của tiếng Hán (phụ trước, chính sau); trong khi đó, tết nhất lại cho ta cảm nhận về một cấu trúc đẳng lập của tiếng Việt.
Vậy, tết nhất bắt nguồn từ đâu? Một điều cần lưu ý là, tuy mang nghĩa khái quát nhưng tết nhất lại chỉ dùng riêng cho tết Nguyên đán mà không hề dùng cho các ngày lễ tết khác như tết Đoan ngọ, tết Trung thu… Điều này, theo tôi có liên quan đến nguồn gốc của tết nhất. Trước hết, tết là dạng nói tắt của tết Nguyên đán, tức buổi sáng/ngày đầu tiên của năm mới âm lịch. Nhất cũng có nghĩa đầu tiên. Như vậy, tết và nhất có chung nét nghĩa đầu tiên.
Học giả An Chi lý giải, vì cùng nét nghĩa này nên nhất có thể trở thành “một thành tố ghép vào sau tết để láy nghĩa của từ này theo kiểu hai từ cùng nghĩa hoặc gần nghĩa đi chung với nhau” (Từ nguyên, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2019, tr.13). Chúng tôi cho rằng đây là lý lo mà tết nhất vừa mang nghĩa khái quát, vừa chỉ được dùng riêng cho tết Nguyên đán.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ