Nguồn gốc của “tử tế”
Tử tế là một từ láy? Hẳn nhiều người cho là vậy. Nhưng kỳ thực, dù mang hình thức láy phụ âm t- nhưng tử tế lại là một từ được tạo thành bằng phương thức ghép, trong đó hai yếu tố tử và tế bình đẳng với nhau về mặt ngữ nghĩa, và đều là những yếu tố gốc Hán.
Tử (bộ nhân) có nhiều nghĩa, trong đó có nét nghĩa “kỹ lưỡng, cẩn thận”. Tế (bộ mịch) có nghĩa “nhỏ, mịn, kỹ càng, tỉ mỉ”, như trong tế bào, tinh tế, vi tế. Trong tiếng Hán, tử tế mang nghĩa “tỉ mỉ, kỹ càng, cẩn thận”.
Vào tiếng Việt, nghĩa của tử tế thay đổi khá nhiều. Từ điển tiếng Việt giảng nghĩa từ này là: “1. Có được tương đối đầy đủ những gì thường đòi hỏi phải có để được coi trọng, không phải sơ sài, lôi thôi hoặc thiếu đứng đắn. Đi ra đường phải ăn mặc tử tế […]. 2. Tỏ ra có lòng tốt trong đối xử với nhau. Ăn ở tử tế với nhau” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.1037). Tuy vậy, nghĩa của tử tế trong tiếng Việt hiện nay vẫn còn phảng phất nét nghĩa xưa ở hàm ý “tỉ mỉ, kỹ càng, cẩn thận” trong cách ăn ở, đối nhân xử thế.
VTV1 đang có chương trình Việc tử tế. Đây là chương trình “Tôn vinh những hành động đẹp, những tấm gương đẹp để tạo thành một xã hội tử tế”. Không ít trong chúng ta nghĩ rằng, việc tử tế đối với cộng đồng, xã hội phải là những việc lớn lao, có sức tác động sâu rộng. Thật ra, việc tử tế có thể bắt đầu từ những việc tốt nhỏ nhặt, giản đơn, đời thường, bình dị nhất xung quanh chúng ta mỗi ngày. Bởi hàm nghĩa sâu xa của tử tế là “tỉ mỉ, kỹ càng từ những điều nhỏ bé” cơ mà!
Năm mới, chúng ta hãy cũng lan tỏa những việc tử tế, từ những việc tốt bình dị, gần gũi nhất với môi trường, với những người bên mình và với cả chính mình. Mỗi người một việc tử tế, xã hội sẽ nhân lên bao việc tử tế. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ