Tránh dịch nCoV: Có thể điều chỉnh thời gian thi THPT quốc gia
Trước diễn biến của dịch bệnh do virus corona gây ra, 63/63 tỉnh, thành phố cả nước đã kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng bệnh đến hết ngày 16.2. Một số địa phương thông báo cho học sinh nghỉ chưa xác định ngày đi học lại. Việc cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo công án phòng, tránh dịch bệnh trong các nhà trường được an toàn. Tuy nhiên, nghỉ học kéo dài cũng khiến không ít phụ huynh băn khoăn về kế hoạch học tập của con có bị ảnh hưởng.
63/63 tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh nghỉ học phòng trách dịch do virus corona.(Ảnh minh họa)
Ông Nuyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không còn tùy vào diễn biến của bệnh dịch và khuyến cáo của ngành y tế.
"Chúng ta không mong, nhưng nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, quyết định cho học sinh nghỉ hay đi học tiếp. Bộ cũng đã tính đến tình huống học sinh tiếp tục phải nghỉ học. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết. Hiện nay, quy định ngày 31.5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Nếu trong trường hợp diễn biến dịch bệnh xấu hơn, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kĩ năng cho học sinh", ông Thành cho biết.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho biết, khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018 đã được Bộ GD-ĐT ban hành kèm Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT. Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, các nhà trường, địa phương xây dựng kế hoạch thời gian năm học của mình. Bởi vậy, khi học sinh phải nghỉ học trong một khoảng thời gian vì dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch chung này. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
"Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD-ĐT, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương. Khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần. Như vậy các địa phương có thể sử dụng quỹ thời gian này để học bù", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu thời gian nghỉ vẫn đủ trong khung kế hoạch năm học của Bộ, thì các địa phương chủ động bố trí thời gian học bù cho học sinh, hoặc vào các tuần đệm hoặc có thể vào những khung thời gian phù hợp với điều kiện, cơ sở vật chất của nhà trường. Những trường học sinh nghỉ học vào thứ Bảy có thể tổ chức dạy bù vào ngày này.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông cho hay, trong trường hợp bất khả kháng, có thể điều chỉnh cả mốc thời gian tổ chức thi THPT quốc gia. Bộ sẽ có những hướng dẫn cụ thể, tùy vào tình hình thực tế. Do đó học sinh, phụ huynh không cần quá hoang mang, lo lắng. Học sinh cần tập trung việc giữ gìn sức khỏe, hiểu rõ tình hình dịch bệnh để tự phòng chống, bảo vệ. Các nhà trường cần vệ sinh sạch sẽ, bổ sung thêm trang thiết bị như nước rửa tay,... ở những vị trí cần thiết.
Theo N.T (VOV.VN)