Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020: Giảm áp lực cho thí sinh
Thông tin nhận được sự quan tâm của học sinh và các nhà trường trong những ngày qua là về điểm mới dự kiến áp dụng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tinh thần được nhấn mạnh của kỳ thi là giữ ổn định phương thức tổ chức, song có một số điều chỉnh về kỹ thuật nhằm tăng kỷ cương, hạn chế tiêu cực cũng như giảm áp lực cho thí sinh.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 vẫn duy trì mục tiêu “hai trong một”, dùng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Viết Thành
Không xáo trộn phương thức thi
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Văn Trinh cho biết: Để có những quyết định về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020, Bộ đã tổng kết, đánh giá, tổ chức lấy ý kiến và nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi những năm trước. Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng; kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã cơ bản khắc phục được những bất cập của một số năm trước, không để xảy ra hiện tượng gian lận như năm 2018 và nhận được sự đồng thuận của xã hội.
Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ những kẽ hở trong tổ chức kỳ thi, đặc biệt là trong khâu bảo quản bài và chấm thi, đồng thời giảm áp lực cho thí sinh, Bộ quyết định giữ ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 như năm 2019. Theo đó, kỳ thi năm nay vẫn duy trì mục tiêu “hai trong một”, tức là dùng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Việc không ban hành đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 là một điểm mới nhận được sự đồng thuận. Theo thầy giáo Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai), việc giữ ổn định phương thức thi và định hướng ôn tập giúp học sinh yên tâm hơn, bớt đi nhiều lo lắng, tập trung học tập, ôn luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên. Còn ông Trần Hoài Nam, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm) cho rằng: "Việc có quá nhiều tài liệu còn có thể khiến học sinh hoang mang, áp lực. Chúng tôi mong rằng, các thầy, cô giáo nắm vững định hướng, phạm vi nội dung thi và tổ chức ôn tập hiệu quả cho học sinh”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Sái Công Hồng thông tin: Đề thi tham khảo định hướng về cấu trúc đề thi, còn phạm vi kiến thức có thể rộng hơn. Học sinh cần hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình trung học phổ thông, tập trung vào nội dung chương trình lớp 12, nhưng cũng đừng quên các kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11. Trong quá trình ôn tập, học sinh có thể tham khảo đề thi chính thức và đề thi tham khảo năm 2019.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giữ nguyên việc tổ chức một cụm thi tại mỗi địa phương, học sinh được dự thi ngay tại địa phương mình, không phải “lều chõng đi thi”. Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) nhận định, cùng với sự ổn định về phương thức tổ chức, định hướng ôn tập, việc học sinh được dự thi tại địa phương mình cũng góp phần giảm áp lực lớn về tâm lý, giúp các em tự tin, thoải mái hơn khi dự thi, từ đó có thể đạt kết quả tốt hơn...
Siết quy trình, tạo công bằng
Nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tổ chức lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia. Siết chặt quy trình, tăng trách nhiệm cá nhân đối với các thành viên tham gia tổ chức kỳ thi là tinh thần của dự thảo nhằm tạo sự công bằng, nghiêm túc và minh bạch.
Theo dự thảo, khâu bảo quản đề thi, bài thi được giám sát chặt chẽ hơn. Điểm mới dự kiến áp dụng từ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 là tại phòng bảo quản đề thi, bài thi, ngoài hệ thống camera giám sát và lực lượng công an trực 24/24 giờ, còn có một cán bộ của trường đại học hoặc cao đẳng (không thuộc địa phương) trực trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu giữ tại điểm thi. Việc chấm thi được xây dựng với quy trình khoa học, kín kẽ, quy rõ trách nhiệm của từng vị trí, bắt đầu từ khâu bàn giao bài thi đến khâu phúc khảo...
Ngoài ra, chủ trương siết chặt kỷ cương trong kỳ thi năm 2020 còn thể hiện ở việc dự kiến tăng mức độ xử lý kỷ luật đối với thí sinh có sai phạm. Nếu như năm trước, thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị cho điểm 0 và không được dự thi các bài thi tiếp theo, thì tại dự thảo, thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy luôn kết quả thi.
Theo thầy giáo Phạm Xuân Hiệp, giáo viên Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh), chủ trương này còn giúp cho cả thầy và trò yên tâm, tin tưởng hơn về sự quyết tâm của ngành trong việc tạo môi trường thi cử công bằng, khách quan, từ đó khiến thầy, trò phải dạy và học thực chất. “Điều quan trọng nữa là ý thức, trách nhiệm và đạo đức của những người tham gia tổ chức kỳ thi. Vì vậy, công tác lựa chọn nhân sự và tập huấn về chuyên môn, kỹ năng cho các thành viên tham gia tổ chức kỳ thi năm nay cần được chú trọng hơn”, thầy giáo Phạm Xuân Hiệp bày tỏ.
Theo dự kiến, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay diễn ra vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, trong những ngày qua, việc học tập tại trường của học sinh phải tạm dừng để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra. Nhằm giải tỏa mối lo lắng của nhiều phụ huynh, học sinh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thời gian học sinh tạm nghỉ học kéo dài, trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, trong đó có thời gian tổ chức kỳ thi.
Theo THỐNG NHẤT (HNM)