Vì sao lại là “sàng khôn”?
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn là câu tục ngữ quen thuộc của người Việt mà có lẽ ai cũng biết và hiểu. Tuy nhiên, sẽ khá bất ngờ nếu chúng ta tự hỏi tại sao ông bà ta lại dùng sàng khôn. Trong khi đó, nếu dùng các nông cụ vốn gần gũi với người nông dân để ví von, người ta có thể gọi là thúng khôn, nia khôn, nong khôn…; hoặc nếu dùng những vật dụng để chứa đựng gần gũi với người đi đường, cũng có thể dùng gói khôn, tay nải khôn, túi khôn…
Hẳn chúng ta nghĩ rằng, người xưa dùng sàng để hiệp vần với đàng. Đây là một lý do, bởi như đã biết, hiệp vần giữa các vế/dòng một trong những đặc điểm hình thức quan trọng của tục ngữ Việt và tục ngữ của nhiều ngôn ngữ khác.
Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do quan trọng nhất. Lý do chính khi chọn sàng khôn thể hiện sự tinh tế, sâu sắc của người xưa khi quan sát, đúc kết về một hiện tượng, quy luật hay một bài học nhân sinh. Cũng là nông cụ, nhưng khác với sàng, nia, nong, thúng dù có nhiều chức năng (để phơi, đựng) nhưng lại không có chức năng loại bỏ cái không như ý và chọn lọc cái cần dùng (sàng). Cũng vậy, đều có chức năng chứa, đựng nhưng gói, túi, tay nải cũng không có chức năng này. Chỉ cái sàng mới có chức năng… sàng (có thể tên gọi cái sàng bắt nguồn từ chính chức năng của nó theo diễn trình: sàng [lọc] → cái để sàng → cái sàng).
Hóa ra, chính chức năng sàng lọc mới là mấu chốt của câu tục ngữ trên. Đi một ngày đàng, ta có thể thu nhặt được vô vàn những điều tai nghe mắt thấy. Trong đó, không phải cái nào cũng đúng, cũng hay. Do vậy, như cái sàng, ta phải biết sàng lọc, chọn lấy những cái hay, cái đúng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự quan sát, nghiền ngẫm, suy xét, tư duy của chính chúng ta. Nhờ đó, vốn tri thức, kho kiến văn của chúng ta mới giàu lên, phong phú và sâu sắc hơn. Ngược lại, nếu không chịu khó “sàng”, ta sẽ thu về một “thúng khôn” hỗn độn đủ thứ đúng sai hay dở. Trước sau gì nó cũng sẽ khiến ta mắc phải những ngộ nhận, sai lầm.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ