Về một chữ “dịch”
Trong ngôn ngữ sinh hoạt, nhất là trong tiếng chửi rủa, ta thường nghe những cụm từ như đồ mắc dịch, thứ ôn dịch. Do đâu mà có những cách nói trên?
Dịch trong mắc dịch, ôn dịch vốn là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, dịch thuộc bộ nạch (liên quan đến bệnh tật). Hán Việt tự điển giảng “bệnh ôn dịch, bệnh nào có thể lây ra mọi người được gọi là dịch” (Thiều Chửu, NXB Thanh niên, 2010, tr.496). Vào tiếng Việt, dịch được bảo lưu cả âm đọc lẫn ý nghĩa; vừa tồn tại độc lập vừa tham gia tạo từ. Từ điển tiếng Việt định nghĩa dịch là “tình trạng bệnh lây lan truyền rộng trong một thời gian” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.247). Từ này có mặt trong những từ, cụm từ như trong dịch bệnh, dịch hạch, dịch lệ, dịch tả, dịch tễ, đại dịch, trận dịch, vùng dịch, dịch viêm đường hô hấp cấp, dịch Corona…
Như vậy, mắc dịch có thể hiểu là “bị/ mắc phải dịch”, ôn dịch là dịch bệnh nói chung (ôn cũng thuộc bộ nạch, nghĩa là “bệnh truyền nhiễm”). Nhưng tại sao khi chửi, rủa, người ta lại mang “ôn dịch” ra để gán cho đối tượng hướng đến?
Bởi lẽ, cũng như chiến tranh hay thiên tai, dịch bệnh đã từng (và đang, sẽ) là những thảm họa của loài người bởi sức tàn phá khủng khiếp của chúng cũng như những ảnh hưởng nặng nề mà chúng để lại trong đời sống nhân loại. Người ta sợ hãi, căm ghét, ghê tởm dịch bệnh. Do đó, khi chửi, rủa một đối tượng với hàm ý đó là điều/ kẻ phiền phức, xấu xa, xúi quẩy…, người ta gán cho đối tượng ấy là “mắc dịch”, “ôn dịch”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những cách nói trên chỉ mang sắc thái hờn trách, đùa cợt.
Trong tiếng Việt, ngoài từ dịch này, còn có một số từ, hình vị dịch gốc Hán khác, chẳng hạn: dịch bộ thủy, nghĩa là “chất lỏng”, như trong dung dịch, dịch nhờn, dịch vị; dịch bộ ngôn, nghĩa là “chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác”, như trong phiên dịch, dịch giả, dịch thuật; dịch bộ nhật, nghĩa là “thay đổi, biến đổi, trao đổi”, như trong biến dịch, di dịch, mậu dịch…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ