Hỗ trợ vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS về giáo dục: Thêm thuận lợi, tiện nghi cho thầy và trò
Gần đây, giáo dục, đặc biệt là giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, có nhiều khởi sắc; giúp việc dạy và học có thêm điều kiện, học sinh có môi trường sinh hoạt tốt hơn. Trong đó, có thể nói Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 là động lực then chốt.
Hôm rồi, đi cùng “Chuyến xe tri thức” mang sách đến cho các em vùng khó khăn tại Trường THCS bán trú Canh Thuận, huyện Vân Canh của Thư viện tỉnh, tôi khá ngạc nhiên khi thấy học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) sử dụng máy tính của xe thư viện khá thành thạo. Thấy nhiều người ngạc nhiên giống tôi, thầy Trần Duy Khá, Hiệu trưởng nhà trường, giải thích: Trường được trang bị máy tính để các em thực hành trong giờ tin học đã khá lâu, nên học sinh ở đây không còn lạ lẫm với máy tính, mạng nữa. Có được điều này là nhờ trường được chọn là một trong những đơn vị hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình) của tỉnh.
Học sinh Trường THCS bán trú Canh Thuận (Vân Canh) sử dụng máy vi tính của Thư viện tỉnh khá thành thạo.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các trường được Chương trình hỗ trợ gồm: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên, Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh); Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (huyện Tây Sơn); Trường Phổ thông dân tộc bán trú Đinh Ruối, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung - Hưng (huyện An Lão); Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Vĩnh Sơn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh).
Các hạng mục được Chương trình hỗ trợ, gồm: Bổ sung bàn ghế học tập; bổ sung trang thiết bị đồ dùng cho nhà bếp, nhà ăn; bổ sung trang thiết bị, đồ dùng cho khu nội trú; cải tạo nhà ăn, nhà bếp; sửa chữa, cải tạo khu nội trú. Tổng vốn giai đoạn hơn 26,8 tỷ đồng, trong đó phần do ngân sách Trung ương cấp hơn 19,5 tỷ đồng.
Để thực hiện Chương trình, dựa trên kế hoạch của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT có kế hoạch cụ thể cho từng năm. Căn cứ vào kết quả khảo sát, thống kê và thực tế nhu cầu ở các trường, Chương trình sẽ hỗ trợ phù hợp. Ngoài các hạng mục quen thuộc như bàn, ghế học tập, thiết bị ở phòng thí nghiệm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học… các trường còn được hỗ trợ smartTV 65 inch phục vụ dạy học, máy tính; ở khu nội trú của học sinh cũng được trang bị tivi và nhiều tiện nghi khác. Ngoài ra, các trường còn được sửa chữa hệ thống điện, nước, lát gạch nền, ốp gạch tường khu vực chế biến thức ăn, hỗ trợ tủ đựng đồ học sinh bằng sắt, tủ lạnh để bảo quản thực phẩm, tủ cơm công nghiệp, bàn ghế nhà ăn… Nhờ vậy, điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh ngày càng được nâng cao.
Các trường vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã không còn phòng học tạm bợ.
- Trong ảnh: Lớp học Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn.
Ông Nguyễn Văn Cưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn, cho biết: Trường được hỗ trợ bàn, ghế gỗ cho học sinh, 8 smartTV để phục vụ giảng dạy, 48 bộ máy tính thực hành. Ngoài ra, nhà bếp của trường cũng được tu sửa, được cấp thêm tủ lạnh, tủ cơm công nghiệp, bàn ghế ở nhà ăn. Không chỉ những hạng mục phục vụ học tập trực tiếp mà nhiều hạng mục có tính phụ trợ cũng được quan tâm bổ sung. Nhờ vậy, chính chúng tôi cũng yên tâm hơn khi kiểm tra, rà soát lại điều kiện bán trú, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các em.
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Vài năm trước thôi, các em phải học ghép, phòng học, bàn ghế không đủ, đặc biệt là các trường nội trú, bán trú, điều kiện ăn ở nhiều nơi còn rất tạm bợ. Nhưng mấy năm gần đây nếu đến thăm các trường ở miền núi, vùng đồng bào DTTS mọi người sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi. Nhiều bàn ghế mới, cơ sở vật chất đầy đủ, theo đó học sinh cũng dạn dĩ, hòa đồng hơn. Trong năm 2020, Sở tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Theo đó Sở sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra như kế hoạch. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất sẵn sàng, đầy đủ cũng là điều kiện để năm tiếp theo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thuận lợi hơn.
ĐỖ THẢO