An Lão chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Lão, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 51,4 ha đất lúa thiếu nước sang canh tác cây trồng khác. Trong đó: 18,1 ha chuyển sang trồng bắp, 30,8 ha đậu phụng, 2,5 ha rau màu các loại. So với năm 2018, diện tích chuyển đổi không tăng, nhưng đi vào chiều sâu, có tính bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Đơn cử, ở những diện tích vừa chuyển đổi, cây bắp cho năng suất bình quân 45,8 tạ/ha, đậu phụng đạt 16,7 tạ/ha và rau màu đạt 132 tạ/ha, lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Cây đậu phụng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân An Lão.
Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi sau nhiều năm vận động, đến nay nhận thức của nông dân đã chuyển biến rõ, tích cực thực hiện chủ trương của huyện về khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các cây trồng đặc thù để tạo ra sự khác biệt cho mặt hàng nông sản. Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt là nhờ huyện kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án Chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017- 2020. Nhờ vậy nông dân có điều kiện thực hiện các mô hình tưới tiết kiệm nước, cánh đồng lớn sản xuất theo quy trình VietGAP, chuyển giao giống mới, giảm được nhiều chi phí, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng.
Dù vậy, một số địa phương vẫn chưa chủ động trong điều hành sản xuất, chưa có kế hoạch phù hợp để thuyết phục người dân tích cực chuyển đổi cây trồng. Công tác chỉ đạo thời vụ ở một số địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến năng suất, hiệu quả chưa cao.
Năm 2020, huyện An Lão sẽ thực hiện chuyển đổi 126 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn. Để công tác chuyển đổi cây trồng đạt kế hoạch đề ra, huyện đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, chủ động mời gọi một số DN tham gia hình thành liên kết; tổ chức đánh giá kết quả các mô hình đã thực hiện để minh chứng hiệu quả mang lại từ các loại cây trồng cạn, tạo động lực cho các hộ tự giác chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết. Đối với các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, các địa phương vận dụng chính sách phát triển nông nghiệp để hỗ trợ nông dân nhân rộng theo hướng bền vững.
DIỆP THỊ DIỆU